Ngày 02/04/2021, bà Đỗ Thị T. 99 tuổi (ngụ tại Lý Thái Tổ, Quận 10, TPHCM) đến Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh khám trong tình trạng tỉnh táo, nhưng chân đau không thể đi lại được.
Bà nhanh chóng được thăm khám và chỉ định chụp X-quang, kết quả cho thấy bà T. bị gãy cổ xương đùi phải và có chỉ định phẫu thuật thay chỏm xương đùi phải.
Sáng nay ngày 03/04 ca mổ đã được tiến hành thuận lợi. Hiện tại, bà T. đã được chăm sóc hậu phẫu trong tình trạng ổn định.
Bà T. được phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo
Bác sĩ gây mê Lê Ngọc Khoa cho biết: “Chúng tôi chọn phương pháp gây tê tủy sống Marcain + Fentanyl. Đây là kỹ thuật đòi hỏi sự hợp tác tốt của người bệnh đối với bác sĩ gây mê, vì vậy chúng tôi đã giải thích rõ kỹ thuật cũng như các việc xảy ra trong cuộc mổ để cho bệnh nhân yên tâm hơn và phối hợp với các bác sĩ tốt hơn”.
Bác sĩ Lê Ngọc Khoa – người thực hiện gây mê cho cụ T. trước ca phẫu thuật
Theo Bác sĩ Nguyễn Quốc Trị khoa Chấn thương chỉnh hình – người trực tiếp mổ cho cụ T. chia sẻ: “Gãy cổ xương đùi thường gặp ở người cao tuổi dù với một chấn thương rất nhẹ, có đến 90% các trường hợp gãy cổ xương đùi ở những người lớn hơn 50 tuổi.
Đối với những người bênh trên 50 tuổi thì khả năng loãng xương cao không thể áp dụng phương pháp điều trị kết hợp xương, do vậy phương pháp thay khớp là một trong những phương pháp tối ưu nhất. Hiện nay có 2 phương pháp thay khớp nhân tạo là thay khớp háng bán phần và thay khớp háng toàn phần. Bà T. được phẫu thuật thành công thay khớp háng bán phần.”
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ, đây là phương pháp ít tổn thương đến các phần mềm xung quanh khớp, thời gian mổ ngắn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày nằm viện sau mổ, giảm đau trong mổ và sau mổ tốt, khớp vững sau phẫu thuật, điều này giúp tạo điều kiện cho người bệnh tập phục hồi chức năng sớm, từ đó sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Phòng bệnh gãy cổ xương đùi
Phòng bệnh loãng xương
Loãng xương là một vấn đề lớn với sức khỏe cộng đồng rất cần được quan tâm và phòng ngừa. Việc phòng ngừa chủ động bằng cách thực hành lối sống và chế độ ăn có lợi cho sức khỏe khung xương có vai trò tích cực giúp giảm những nguy cơ gây gãy xương do loãng xương.
- Nên tăng cường và duy trì việc đi bộ khoảng 60 phút mỗi ngày tùy theo sức khỏe.
- Phơi nắng buổi sáng hằng ngày để có đủ vitamin D là hai yếu tố quan trọng giúp xương chắc khỏe.
- Không nên dùng rượu và thuốc lá. Cần chú ý bổ sung các chất giàu canxi trong chế độ ăn uống như hải sản, các loại rau (bông cải xanh, rau bó xôi…), sữa tươi, sữa đậu nành…
- Bên cạnh đó, cần đến bệnh viện kiểm tra định kỳ độ loãng xương để kịp thời cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như lượng calcium và vitamin D cần thiết.
Ngăn ngừa chấn thương
Người lớn tuổi cần cẩn trọng khi đi lại, không mang các đôi dép xốp trơn. Thận trọng khi di chuyển nhất là những nơi trơn trượt như trong phòng vệ sinh, những khoảng sân ướt, hạn chế leo cầu thang… vì đa số các trường hợp gãy cổ xương đùi đều có liên quan đến té ngã.
Gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi hiện nay là một bệnh thường gặp, nhiều khi gây ra những hậu quả rất xấu. Vì vậy mỗi chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe và chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ loãng xương, thoái hóa cơ xương khớp. Khi có nghi ngờ bị gãy xương ở vùng háng, đặc biệt là gãy cổ xương đùi, cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ khám và xử lý kịp thời.
XEM THÊM: