Mổ nội soi là bước tiến bộ đáng ghi nhận của y học, rất giúp ích trong việc thực hiện những phẫu thuật rất phức tạp, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh trong việc chữa lành và hồi phục sức khỏe.
1. Bệnh nào có thể mổ nội soi
Trước hết, cần biết bệnh có thể mổ qua các lỗ tự nhiên (lỗ mũi, miệng…) của cơ thể hay không. Ví dụ, cắt amiđan thì thao tác qua miệng.
Phẫu thuật cho tổn thương nằm sâu mà không thực hiện được qua các lỗ tự nhiên thì sẽ có đường mổ do bác sĩ mở ra. Những phẫu thuật nông như cắt a-mi-đan, cắt trĩ thì không cần dùng nội soi.
Tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, tất cả các chuyên khoa phẫu thuật đều có áp dụng phẫu thuật nội soi. Rất nhiều bệnh nhân hỏi chúng tôi rằng sau mổ vết sẹo có lớn không, làm sao để không có sẹo hay có mà vẫn đẹp. Nhu cầu về sẹo thẩm mỹ sau mổ có lẽ xuất hiện từ những ca mổ đầu tiên của nghành y.
2. Mổ nội soi, ít biến chứng, ít sẹo xấu
Hơn nữa, vết mổ càng nhỏ thì đau đớn cũng ít đi. Người bệnh cũng nhờ đó mà mau hồi phục hơn, mau trở lại cuộc sống thường ngày hơn.
Mổ càng sâu thì đường mổ càng phải rộng. Ví dụ, cắt túi mật bị viêm, một cơ quan nằm sâu trong bụng, vết mổ cổ điển thông thường khoảng 7- 8 cm, với người mập có thể còn dài hơn. Vết mổ dài như vậy mới có đủ không gian để các phẫu thuật viên quan sát và thao tác.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao vết mổ nhỏ nhất mà bác sĩ vẫn quan sát rõ và có không gian đủ rộng để các thao tác phẫu thuật được hoàn thành an toàn.
3. Các yêu cầu kỹ thuật khi mổ nội soi
Ánh sáng là yêu cầu rất quan trọng giúp người mổ có thể quan sát tốt vùng phẫu thuật. Một bộ đèn mổ thông thường cho kỹ thuật mổ cổ điển thường phải có rất nhiều bóng đèn từ nhiều hướng khác nhau để không “hắt bóng”.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi tổn thương nằm sâu, với vết mổ nhỏ làm sao đưa được ánh sáng đến tận vị trí cần làm phẫu thuật?
Khi mổ sâu như vậy làm sao các bác sĩ có thể nhìn thấy các tổn thương?
Mổ nội soi ra đời đã giải quyết các vấn đề trên. Các tiến bộ về quang học như nguồn ánh sáng lạnh và sợi thủy tinh đã giúp ích rất nhiều. Đèn chiếu sáng halogen hay xenon là nguồn ánh sáng lạnh, khi đèn chạm vào các bộ phận cơ thể của người bệnh sẽ không gây bỏng cho các cơ quan này. Sợi thủy tinh giúp dẫn ánh sáng từ ngoài vào trong và truyền hình ảnh từ một camera nhỏ được đưa vào sát vùng mổ ra bên ngoài.
Bác sĩ phẫu thuật không nhìn trực tiếp vào vùng mổ mà nhìn trên màn hình hiển thị với những hình ảnh được truyền trực tiếp từ camera đưa ra ngoài. Cùng lúc đó, các dụng cụ nhỏ và dài sẽ được đưa vào vùng mổ để bác sĩ làm phẫu thuật.
Khoa Tai mũi họng
Trước đây, khi muốn mổ xoang, các bác sĩ khoa tai mũi họng phải mổ gián tiếp từ miệng, sau đó vòng lên vùng mũi để tránh sẹo trên mặt. Sau phẫu thuật có đường mổ như vậy, cả khuôn mặt người bệnh sưng húp và đau đớn khá nhiều.
Ngày nay, với camera chỉ như một chiếc đũa và các dụng cụ nhỏ được đưa qua lỗ mũi hay qua miệng, bác sĩ đã có thể can thiệp vào mọi ngóc nghách của mũi họng, từ hệ thống mũi xoang tới tận thanh quản.
Khoa Phụ – sản
Đối với những người bệnh là phụ nữ, tính thẩm mỹ của vết sẹo sau mổ là mối quan tâm hàng đầu. Đa số các phẫu thuật phụ khoa bên trong bụng đều có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Từ các phẫu thuật ở buồng trứng, vòi trứng đến tử cung, nếu được thực hiện qua nội soi thì chỉ sau vài tháng các vết sẹo sẽ rất khó nhận ra. Tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh đã có hàng ngàn phụ nữ được hưởng thụ tiến bộ này của y học.
Khoa Chỉnh hình
Phẫu thuật bệnh thoát vị đĩa đệm trước đây là một phẫu thuật dễ để lại các di chứng đau tại chỗ mổ do sẹo xơ hay cột sống không vững. Khi mổ, các bác sĩ phải cắt dây chằng, cơ xương xung quanh để vào tới tổn thương. Đó chính là nguyên nhân để lại các di chứng sau mổ. Xuất hiện hơn 10 năm gần đây, kỹ thuật mổ thoát vị đĩa đệm bằng nội soi có thể khắc phục được phần lớn các bất lợi này. Kết quả sau mổ lâu dài tốt hơn mổ cổ điển khá nhiều.
Các bệnh về sụn hay dây chằng ở khớp vai, khớp gối cũng thường được phẫu thuật nội soi. Hiệu quả điều trị rất tốt khi người bệnh ra viện khá nhanh và phục hồi các chức năng rất sớm.
Khoa Tiết niệu
Có lẽ chỉ còn viên sỏi to như củ gừng nằm trong thận là phải mổ theo phương pháp cổ điển. Với các viên sỏi nhỏ hơn, gần như toàn bộ đều được đưa ra khỏi cơ thể bằng phương pháp nội soi. Nếu viên sỏi nằm thấp ở niệu đạo, bàng quang hay niệu quản đoạn thấp thì được lấy ra sau khi tán nhỏ bằng dụng cụ được đưa vào từ lỗ tiểu ngoài. Với những viên sỏi nằm ở gần thận và lớn hơn thì bác sĩ sẽ lấy ra qua phương pháp phẫu thuật nội soi ở hông lưng của người bệnh.
Một bệnh rất thường gặp ở người nam lớn tuổi gây khó tiểu, bí tiểu là phì đại tiền liệt tuyến. Phẫu thuật cắt đốt nội soi tuyến này đã làm thay đổi hẳn kết quả sau mổ đối với đa số bệnh nhân là người cao tuổi. Phẫu thuật nhẹ nhàng rất quan trọng với những người lớn tuổi có sẵn bệnh tim mạch hay tiểu đường.
Khoa Tiêu hóa
Các cơ quan của hệ thống tiêu hóa nằm trong bụng với rất nhiều ngóc ngách phức tạp. Để phẫu thuật tốt một cơ quan trong bụng nhiều khi phải có đường mổ khá dài. Ngày nay, phẫu thuật nội soi đã làm biến mất rất nhiều những đường mổ như vậy. Khởi đầu từ bệnh viêm túi mật, mổ nội soi đã mở rộng điều trị cho hầu hết các cơ quan trong bụng như cắt ruột thừa viêm, bướu ruột non, bướu ruột già, sỏi đường mật, gan, tụy, lách.
Nội soi tiêu hóa không được coi là phẫu thuật nhưng các thủ thuật này cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Ống soi “mềm” là một ống có camera ở đầu, hình ảnh được dẫn ra ngoài bằng bó sợi thủy tinh. Ống mềm giúp cho bác sĩ có thể đưa camera vòng qua các khúc ngoặt của đường tiêu hóa.
- Nội soi ruột già nếu phát hiện các polype (khối phần mềm nhô lên ở thành ruột) thì có thể cắt ngay các polype này bằng một dao điện trong ống soi mà không phải mổ.
- Nội soi từ miệng qua dạ dày tới đường mật có thể lấy được sỏi ống mật. Trước đây, nhiều người bệnh bị sỏi ống mật phải mổ để lấy sỏi. Hiện nay, một số lớn bệnh sỏi ống mật chỉ phải nội soi từ miệng là lấy được sỏi. Người bệnh nằm viện 1-2 ngày, thay vì 8-10 ngày so với mổ như trước.
Với bài này chúng tôi chỉ giới thiệu những trường hợp thông thường. Thực tế ở Việt Nam, phẫu thuật bằng nội soi đã tiến những bước rất dài, có thể thực hiện những phẫu thuật rất phức tạp.
4. Ưu điểm của việc mổ nội soi
Ưu điểm đầu tiên của mổ thuật nội soi là vết mổ nhỏ, người bệnh sẽ ít đau hơn rất nhiều. Ví dụ, để lấy bỏ khối u buồng trứng theo phương pháp cổ điển, người bệnh thường phải nằm viện 4-5 ngày. Với phương pháp mổ nội soi, người bệnh chỉ cần nằm 2 ngày là có thể tự đi lại khi xuất viện. Các vết sẹo nhỏ khi mổ u buồng trứng sẽ biến mất sau vài tháng. Hoặc sau khi bệnh nhân mổ xoang bằng phương pháp nội soi, khuôn mặt hoàn toàn không bị sưng nề, xuất viện chỉ sau 1 ngày nằm viện và tất nhiên là không có sẹo mổ.
Ngoài ra, với việc mổ nội soi, tầm quan sát khi phẫu thuật rất rộng. Khi đưa camera vào bụng từ rốn người bệnh chúng tôi có thể quan sát, đánh giá hầu hết các cơ quan trong bụng. Đây là điều rất quan trọng vì bác sĩ có thể can thiệp vào nhiều vùng khác nhau trong bụng mà không cần phải mở rộng vết mổ như trước đây.
Với những lợi ích như vậy, thời gian nằm viện của mỗi người sẽ giảm đi khá nhiều, giảm các biến chứng nguy hiểm trong cuộc phẫu thuật, đây cũng là một yếu tố làm giảm chi phí chữa bệnh cho người bệnh và gia đình.
(theo BS.CK2. Bùi Xuân Cường – Khoa Ngoại
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)