Ngày nay, tại Việt Nam ở các trung tâm Niệu Khoa, bệnh sỏi đường tiết niệu chiếm 2/3 trong các bệnh về đường tiết niệu. Các loại sỏi khác nhau về kích thước, hình dáng, vị trí; thành phần cấu tạo sỏi, thời gian mắc bệnh và mức độ ảnh hưởng của sỏi lên hệ tiết niệu.
Nguyên nhân hình thành sỏi đường tiết niệu
Đường tiểu hay đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo) là hệ thống giúp cho cơ thể thải ra bên ngoài những chất lỏng dư thừa và các chất hòa tan từ sự lưu thông máu. Các chất lỏng này tập trung ở thận, có một số chất tái hấp thu tại đây, phần còn lại được lọc và thải ra ngoài (nước tiểu) thông qua niệu quản, bàng quang (bọng đái), niệu đạo.
Có khoảng 80% sỏi niệu quản từ trên thận rớt xuống. Một số sỏi đường tiết niệu sinh ra tại chỗ do dị dạng niệu quản như niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ… các yếu tố này dễ làm ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể và kết tụ thành sỏi. Những hòn sỏi có đường kính nhỏ hơn 5mm, trơn láng có khả năng tự ra được. Tuy nhiên, những hòn sỏi có hình dáng sần sùi, gai góc thì có nhiều khả năng vướng lại trong lòng niệu quản.
Việt Nam có khoảng 70-80% là sỏi calci, chủ yếu ở dạng calci oxalat và calci phosphate
- Sỏi Oxalat: chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới như nước ta, oxalat thường kết hợp với calci tạo thành sỏi oxalat calci
- Sỏi phosphat: chiếm khoảng 5-15% trường hợp, có kích thước to, hình san hô, cản quang, hình thành do nhiễm khuẩn
- Sỏi acid uric: thường tạo thành bởi nước tiểu bị cô đặc trong trường hợp mất nước do đổ mồ hôi khi làm việc ở môi trường nóng bức, bệnh Gút, hay ăn nhiều thức ăn như cá khô, nấm, các phủ tạng động vật
- Sỏi cystin: tương đối ít gặp ở nước ta. Sỏi cystin không cản quang
Sỏi đường tiết niệu gây hậu quả như thế nào?
Niệu quản là con đường duy nhất dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, nếu con đường này bị tắc nghẽn do sỏi thì thận sẽ bị ứ nước, gây nhiễm trùng, viêm thận dẫn đến hư thận. Trong trường hợp sỏi niệu quản 2 bên có thể gây ra tình trạng vô niệu (không có nước tiểu) đột ngột. Những hòn sỏi có đường kính nhỏ hơn 5mm, trơn láng có khả năng tự ra được.
Tuy nhiên những hòn sỏi có hình dáng sần sùi, gai góc thì có nhiều khả năng vướng lại trong lòng niệu quản gây phù nề quanh hòn sỏi, gây viêm nhiễm làm cho hòn sỏi bám chặt thêm không di chuyển được, hậu quả là đoạn niệu quản trên hòn sỏi bị giãn nở, niệu quản phía dưới hòn sỏi teo nhỏ dần. Nếu quan sát kỹ các hòn sỏi có thời gian nằm lâu trong niệu quản, có thể thấy một hay nhiều đường rãnh cho phép nước tiểu đi qua được, vì vậy có rất nhiều trường hợp sỏi niệu quản hai bên mà bệnh nhân không vô niệu.
Khi sự lưu thông dòng nước tiểu bị cản trở sẽ có hiện tượng ứ trệ một phần hay toàn phần khiến thận suy giảm chức năng, gây tàn phá các tiểu cầu thận, giãn đài bể thận, thận giãn to và mỏng dần.
Xem thêm: Khám sức khỏe tổng quát tuổi trung niên
Điều trị sỏi đường tiết niệu
Điều trị không thuốc
Điều trị sỏi đường tiết niệu muốn có hiệu quả thì việc xác định loại sỏi là rất quan trọng. Uống nước nhiều 2-3 lít mổi ngày có thể làm cho sỏi nhỏ thoát ra khi đi tiểu. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều calci oxalat như sữa, pho mat, nước chè đặc, ăn ít đạm động vật nếu sỏi acid uric, tăng cường hoạt động với mục đích giúp sỏi di chuyển ra ngoài như chơi bóng bàn, đạp xe đạp, nhảy dây…
Điều trị bằng thuốc
Điều trị cơn đau quặn thận: thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ trơn, thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng. Đối với hòn sỏi nhỏ và trơn láng: nhờ nhu động của niệu quản hòn sỏi sẽ di chuyển dần để được tống ra ngoài. Điều này diễn tiến một cách tự nhiên chứ không phải do thuốc làm “bào mòn” hòn sỏi như một số người thường nghĩ. Chỉ có sỏi acid uric là tan được dưới tác dụng của thuốc.
Phẫu thuật lấy sỏi
Các trường hợp sỏi niệu quản cần can thiệp
- Sỏi niệu quản trên thận độc nhất
- Có sốt, bạch cầu, urê trong máu tăng
- Đau quặn thận và nôn ói không thuyên giảm khi tiêm thuốc giảm đau
- Khi nhiễm trùng xảy ra trên một niệu quản bị tắc nghẽn cần phải can thiệp giải quyết càng sớm càng tốt, vì khi tắc nghẽn hoàn toàn chức năng thận bắt đầu suy giảm trong vòng 18 đến 24 giờ. Sau 5 đến 14 ngày, một phần chức năng thận sẽ mất vĩnh viễn. Nếu sự tắc nghẽn kéo dài trên 16 tuần thì phần lớn chức năng thận khó phục hồi, tắc nghẽn mạn tính cũng gây suy giảm chức năng thận
Các phương pháp lấy sỏi đường tiết niệu
- Mổ mở lấy sỏi: hiện nay ít thực hiện trừ trường hợp phẫu thuật nội soi thất bại
- Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc qua ngã hông lưng
- Phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản (được áp dụng trong hầu hết các trường hợp)
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Nội soi tán sỏi qua da
Chị Lâm T. T. (34 tuổi) tới khám ở khoa Niệu Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh khi bị đau bụng bên trái, đau lan xuống mặt trong đùi trái, tiểu buốt nhẹ. Chị bị như vậy lần đầu tiên nên rất lo lắng. Sau khi làm siêu âm, chụp phim đường tiểu xác định được viên sỏi 8mm nằm ở niệu quản trái làm ứ nước tiểu ở thận. Cùng ngày hôm đó, các bác sĩ đã dùng phương pháp nội soi từ lỗ tiểu ngoài lấy được viên sỏi. Sau 2 ngày chị đã xuất viện và 3 ngày sau đã đi làm bình thường.