1. Bệnh lý khớp gối
Khớp gối là khớp lớn nhất của cơ thể, nó chịu trọng lực rất lớn khi chúng ta đi đứng hoặc chạy nhảy. Chính vì vậy các chấn thương và bệnh lý thường hay xảy ra ở đây. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác và chọn lựa phương pháp chữa trị thích hợp khi khớp gối bị chấn thương là điều mà mọi người dân chúng ta đều quan tâm.
2. Triệu chứng khi khớp gối tổn thương
Đau khớp khi hoạt động hoặc cả khi nghỉ ngơi, đau khớp khi đi lại, lên xuống cầu thang, khi chạy, khớp gối sưng to, nóng đỏ… Hạn chế vận động khớp, khiến khớp lỏng lẻo. Đau có thể xảy ra sau chấn thương như tai nạn giao thông, va chạm, do chơi thể thao, do tai nạn lao động… hoặc xảy ra tự nhiên.
Các bệnh khớp gối nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến các thương tổn thứ phát, thoái hoá khớp, cứng khớp dẩn đến tàn phế.
Ngày nay nhờ nội soi khớp gối, phẫu thuật khớp gối có những tiến bộ vượt bậc. Nội soi cho phép can thiệp chính xác, có những ưu điểm lớn, đặc biệt là ít đau, thời gian nằm viện ngắn, săn sóc sau mổ đơn giản.
3. Cấu trúc bình thường của gối như thế nào?
Khớp gối bao gồm hai mặt khớp đó là mặt khớp xương đùi – xương cẳng chân và mặt khớp giữa lồi cầu đùi – xương bánh chè. Giữa mặt khớp xương đùi và cẳng chân có sụn chêm. Sụn chêm chêm giữa mặt sụn khớp xương đùi và xương cẳng chân nhằm mục đích giảm sốc trong quá trình vận động.
Mặt khác sụn chêm còn có tác dụng giữ cho khớp gối được vững vàng khi vận động. Có hai sụn chêm gồm sụn chêm trong và ngoài nằm trong khoang khớp gối trong hay ngoài.
Khớp gối được giữ vững nhờ hệ thống dây chằng bên trong, bên ngoài và hai dây chằng chéo trước và chéo sau nằm bên trong khớp gối. Dây chằng chéo trước có tác dụng chính là giữ không cho mâm chày trượt ra trước và dây chằng chéo sau giữ cho mâm chày không bị trượt ra sau. Dây chằng bên ngoài giúp gối không bị vẹo trong, dây chằng bên trong giúp cho gối không bị vẹo ra ngoài.
Toàn bộ khớp gối được bao phủ bởi một lớp màng có tác dụng tiết ra dịch khớp với lượng vừa đủ để bôi trơn quá trình vận động của khớp gối giống như nhớt xe vậy. Tuy nhiên, màng này còn có tác dụng chống viêm nhiễm. Một khi bị chấn thương hay do viêm nhiễm, bao hoạt dịch có thể bị dày lên, tiết nhiều dịch khớp làm khớp gối sưng lên. Bao hoạt dịch dày lên cũng làm cản trở thuốc ngấm vào khớp, làm giảm tác dụng điều trị.
4. Các dạng bệnh lý khớp gối hay gặp
Viêm hoạt mạc khớp gối: Trong các bệnh lý viêm khớp gối như viêm khớp dạng thấp làm cho các bao hoạt mạc dày lên, khớp gối sưng to do tràn dịch, làm giảm tác dụng của thuốc kháng viêm, người ta dùng dụng cụ và với sự hỗ trợ của nội soi khớp cắt bao hoạt mạc, giúp việc điều trị bằng thuốc kháng viêm dễ hơn.
Dị vật trong khớp gối: mảnh sụn, bao khớp bị rách do thoái hóa. Nội soi có thể cho phép lấy bỏ những mảng xương hay mảnh xơ sụn trong khớp.
Rách sụn chêm: Triệu chứng điển hình của rách sụn chêm trong khớp gối là đau khi đi đứng hoặc bị “kẹt” khớp gối, nghĩa là bệnh nhân có thể gập gối nhưng không thể duỗi gối ra được và phải lựa thế để duỗi gối ra, đôi khi không thể duỗi gối ra và phải nội soi cấp cứu để cắt sụn chêm. Cắt bỏ sụn chêm là lấy đi một phần sụn chêm thương tổn cho tới vị trí giới hạn bình thường và bảo tồn tối đa phần còn lại. Nội soi gối cũng có thể áp dụng để khâu sụn chêm trong một số ít trường hợp khi thương tổn cho phép bảo tồn.
Đứt dây chằng chéo khớp gối: Triệu chứng của đứt dây chằng chéo trong khớp gối là đau hoặc lỏng lẻo khớp gối khi đi. Khởi đầu là một chấn thương vùng gối đôi khi không nặng nhưng ở tư thế xoay, gối sưng lên, không thể gập gối hoặc rất đau khi gập gối, phim X- quang thường không phát hiện được gì, bệnh nhân hay bị “sụm” gối khi đi, lên xuống bậc thang khó khăn. Đứt dây chằng chéo nếu không điều trị sẽ làm khớp gối mau bị hư và gây đau.
Thoái hóa khớp gối: Đặc điểm là lớp sụn bao bọc đầu xương bị thoái hóa, bong tróc từng mảng, lộ phần xương ra. Lớp sụn khớp có chức năng như một lớp đệm giữa hai đầu xương. Khi nó bị hư hỏng thì hai đầu xương sẽ cọ xát nhau khi cử động. Hậu quả là các triệu chứng đau, sưng, hình thành gai xương và giới hạn cử động khớp.
5. Phẫu thuật khớp gối
Sau khi điều trị nội khoa, nếu tình trạng bệnh không cải thiện thì sẽ chuyển sang phẫu thuật, tùy theo từng trường hợp bệnh lý mà bác sĩ thực hiện những phương pháp cụ thể như sau:
– Mổ nội soi rửa sạch khớp
– Cắt xương sửa trục trên lồi cầu xương đùi hoặc dưới mâm chày
– Thay khớp gối bán phần
– Tạo hình lại khớp chè đùi
– Thay khớp gối toàn phần
– Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước. Đây là kỹ thuật dùng sợi gân bánh chè hoặc gân chân ngỗng hoặc sử dụng mảnh ghép xương gân xương bánh chè để thay thế dây chằng chéo trước bị đứt.
(theo Bs.CK1. Vương Hữu Định – Khoa PT xương khớp
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
———————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.com
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh