Để đạt hiệu quả cao trong điều trị đau thắt lưng, phải có chẩn đoán chắc chắn, tùy theo từng giai đoạn bệnh, thể trạng mà có thể điều trị theo ba cách khác nhau: uống thuốc, uống thuốc cùng với vật lý trị liệu, cuối cùng là phẫu thuật.
Hình ảnh ca mổ nội soi thoát vị đĩa đệm tại BVĐK Vạn Hạnh
Ai thường gặp tình trạng đau thắt lưng?
Hầu hết trong chúng ta ai cũng có thể gặp, tùy theo tính chất, đặc điểm lao động, thói quen sinh hoạt.
Những người làm công việc văn phòng như công chức, giáo viên, học sinh, những người ngồi kinh doanh, thợ may, thợ đóng giày…
Những người làm công việc nặng nhọc như công nhân hầm mỏ, khuân vác, bốc dỡ hàng, nông dân làm việc gồng gánh, cấy cày.
Cần phải làm gì nếu đau thắt lưng?
Người bệnh cần báo cho bác sĩ biết những triệu chứng gì đã và đang xảy ra, đã dùng những thuốc gì, tính chất lao động và thói quen sinh hoạt, nhất là các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần.
Sau đó, bác sĩ sẽ tìm kiểm tra vùng đau của người bệnh, người bệnh thực hiện các động tác cúi trước, ngửa ra sau, nghiêng trái, nghiêng phải để thử xem mức độ đau của bệnh nhân như thế nào, liên quan gì tới tư thế vận động…
Các triệu chứng cần lưu ý
• Đau lưng khi cúi và khi nâng vật nặng
• Đau lưng khi ngồi lâu
• Đau lưng khi đứng và đi bộ
• Đau lưng khi thay đổi thời tiết
• Đau lưng lan xuống mông, nhưng không xuống chân
• Đau lưng lan xuống chân và bàn chân
• Đôi khi người bệnh không thấy đau lưng, nhưng chỉ đau vùng mông và đau lan xuống chân
Các xét nghiệm cần thực hiện
Hướng chẩn đoán tổn thương tùy theo triệu chứng. Bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh đi làm các xét nghiệm để xác định tổn thương.
Chụp X-quang
Đo mật độ xương giúp tìm hiểu độ chắc của xương. Xương cột sống loãng quá cũng có thể gây đau. Ngoài ra, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu đo điện cơ để xác định dây thần kinh nào có vấn đề, xạ hình xương để xem có bị ung bướu ở xương hay không, chụp CT cắt lớp dựng hình để xem thử khung xương cột sống.
Đây là phương pháp chụp kỹ thuật cao rất hữu ích cho chẩn đoán chính xác tình trạng của tủy, rễ thần kinh và đĩa đệm, phần mềm…
Điều trị đau thắt lưng
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào và có triệu chứng ra sao, nếu như đau lưng không giảm sau vài tuần điều trị bằng thuốc thông thường hoặc nếu có kèm theo sốt và ớn lạnh, giảm cân bất thường, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra thật kỹ sau đó là tư vấn và điều trị.
Để đạt hiệu quả cao trong điều trị đau cột sống thắt lưng, phải có chẩn đoán chắc chắn, tùy theo từng thể loại, có thể điều trị theo ba cách khác nhau: uống thuốc, uống thuốc cùng với vật lý trị liệu, phẫu thuật.
Phẫu thuật là giải pháp được thực hiện khi điều trị bằng thuốc thất bại, hoặc những bệnh nhân có bằng chứng trên MRI có tổn thương không thể điều trị bằng thuốc.
Một số trường hợp nặng, khi bệnh tiến triển đến tình trạng đốt sống bị trượt không vững hoặc vẹo cột sống, bệnh nhân cần được tiến hành phẫu thuật hàn khớp thân sống.
Ngăn ngừa đau thắt lưng
Rất khó để có thể ngăn ngừa triệt để đau cột sống thắt lưng. Tuy vậy, chúng ta có thể làm giảm bớt nguy cơ đau lưng bằng một số cách như:
- Tập thể dục thường xuyên để cơ lưng và cơ bụng rắn chắc, dẻo dai
- Khi nâng vật nặng, không nên khom lưng, mà chúng ta nên đứng gần vật nặng hạ thân mình bằng cách gấp gối
- Ngồi thẳng lưng, không cong lưng quá mức gây nguy hiểm cho cột sống
- Tránh dùng thuốc lá hoặc rượu bia
Cấu trúc cột sống vùng lưng
Cột sống được cấu tạo từ những đốt xương xếp chồng lên nhau, thêm vào đó thần kinh cơ và dây chằng là những thành phần xung quanh có những chức năng khác nhau. Đoạn thắt lưng có 5 đốt sống xếp chồng lên nhau, sau các thân xương có một ống, cũng bằng xương, bảo vệ tủy sống ở bên trong. Tủy sống là phần nối liền từ não xuống thắt lưng. Từ tủy sống, những sợi thần kinh chui ra khỏi cột sống bằng khe giữa các đốt sống. Các sợi thần kinh từ vùng thắt lưng sẽ chi phối về vận động và cảm giác của hai chân.
Rất nhiều cơ và dây chằng nằm dọc theo thân sống, nối liền các đốt sống, có chức năng giúp cho thân sống vững chắc và mềm dẻo.
Mấu khớp là khớp nhỏ nằm giữa hai thân sống giúp cho thân sống có thể cúi ngửa dễ dàng mà không bị trượt sang hai bên. Đĩa đệm là miếng lót mềm nằm giữa hai thân sống, như là miếng giảm chấn giữa hai đốt sống, có hai thành phần: vỏ và nhân. Bất kì lý do gì làm tổn thương, thay đổi cấu trúc các thành phần của cột sống sẽ gây đau.
Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm
Do hoàn cảnh kinh tế, người bệnh khám và điều trị theo nhiều cách, do đó, kết quả của từng bệnh nhân cũng khác nhau. Nhiều người bệnh do sợ phẫu thuật nên dùng thuốc kéo dài và châm cứu rất nhiều mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Những người bệnh này thường phải trải qua phẫu thuật mới giải quyết được bệnh.
Trước đây, hầu hết là mổ mở với đường mổ lớn. Kích thước tối thiểu cho một đĩa đệm bị thoát vị cũng phải 3 cm mới đủ rộng cho các thao tác kỹ thuật. Khi lành vết thương, vết mổ lớn tạo điều kiện cho tổ chức xơ phát triển xâm lấn trở lại tủy, làm cho ống sống bị hẹp. Hẹp ống sống làm cho bệnh nhân có cảm giác ngày một yếu, đi được một đoạn ngắn phải nghỉ để lấy sức, đôi khi bệnh nhân cảm giác đau trở lại sau 4 đến 5 năm. Cột sống không vững do trước đó cắt nhiều tổ chức xung quanh, phải mổ nhiểu lần, tổn hại về sức khỏe và kinh tế, đây là điều mà cả bệnh nhân và bác sĩ đều chẳng muốn.