Ông bảo: “Tôi suýt chết vì tắc ruột nếu không được mổ kịp thời”.
Tình cờ, chiều 27/12 tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM, tôi gặp một người quen – Tiến Sĩ. LTB – người đang cộng tác với một số tờ báo trong chuyên mục Y khoa đang nằm ở phòng hồi sức hậu phẫu. Người thầy thuốc 72 tuổi từng cộng tác tại Viện Quân y 103 này suýt chết vì tắc ruột và lại là người từng lấy bằng Tiến sĩ Y khoa về đề tài… tắc ruột (với luận án “Vai trò và vị trí của thủ thuật xếp ruột trong điều trị tắc ruột tái phát sau mổ” tại ĐH Y Hà Nội năm 1984).
Ông kể, sau một ngày có hiện tượng đau bụng quặn từng cơn, sáng 15/12 ông đã vào khoa Cấp cứu một bệnh viện lớn của thành phố, sau khi được truyền dịch, chụp X-quang với kết luận “có hiện tượng bán tắc ở hai quai ruột”. Một ngày sau, thấy êm êm, ông xin phép BS về nhà để thu xếp một số công việc. Chỉ 3 ngày sau, ông lại bị đau quặn trở lại và lập tức quay lại bệnh viện. Với kinh nghiệm của ông về bệnh lý tắc ruột, ông đoán lần này mình đã bị nặng rồi.
Ở bệnh viện, ông lại được chụp X-quang và BS tiếp tục kết luận: “có bán tắc ở hai quai ruột”, dặn ông cứ nằm chờ, sẽ có thuốc và truyền dịch. Dù ông đã cố giải thích, nhưng BS vẫn bảo ông cứ chờ trên một chiếc giường hai người nằm chung ở khoa Ngoại tổng quát.
Chờ đến 11 giờ trưa vẫn không thấy thuốc men hay dịch truyền đâu cả, BS điều trị cũng không thấy quay lại, với sự tự chủ của một BS biết rõ bệnh của mình là không thể chần chờ được nữa, ông quyết định “tự chuyển viện” sang BV Đa Khoa Vạn Hạnh.
Tại đây, qua chẩn đoán lâm sàng với những triệu chứng điển hình của tắc ruột và phim X-quang, BS Nguyễn Văn Luân (Giám Đốc BV Vạn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tiêu hoá Tp. Hồ Chí Minh), đã kết luận ngay: bệnh nhân đã bị tắc ruột toàn phần và lập tức được đưa ngay vào phòng mổ lúc 13g30.
Ca mổ do BS Luân thực hiện đã kịp thời cứu sống bệnh nhân, bởi theo BS Luân: “Chỉ cần chậm trễ 3-4 giờ nữa, tình trạng tắc ruột gây mất cân bằng giữa nội mô và ngoại mô ở ruột sẽ làm thẩm thấu dịch vào ổ bụng gây sốc mất nước, dẫn đến nhiễm trùng hoại tử ruột, có thể dẫn đến tử vong!”.
Vị tiến sĩ nằm trong giường bệnh cười buồn: “Cũng may mình là bác sĩ, biết bệnh và chủ động quyết định, chứ dân thường vào bệnh viện thì… Mình cũng hiểu cái cực của bệnh viện lớn, quá tải triền miên, khó tránh được sơ suất. Nhưng ở bệnh viện, BS chịu nghe bệnh nhân nói là điều quan trọng lắm… Mô hình bệnh viện nhỏ mà lại có cái hay, chăm sóc bệnh nhân chu đáo hơn, và chịu nghe người bệnh nói hơn…”
Biết lắng nghe bệnh nhân chứ không phải chỉ “nghe” máy móc (dù máy móc có hiện đại tới đâu), có lẽ là một trong những bài học đầu tiên của các BS không thể lắng nghe bệnh nhân nói? Ngay cả như một Tiến sỹ Y khoa về tắc ruột cũng đã không thể nói về bệnh tắc ruột của mình cho BS điều trị! Sao lại thế?
(theo chia sẻ từ Bs.CKII. Nguyễn Văn Luân – Giám Đốc BVĐK Vạn Hạnh)
Nếu có bất kì vấn đề gì về sức khỏe, để đăng ký khám và điều trị, xin mời Quý vị liên hệ theo địa chỉ:
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
Hoặc đăng ký khám TẠI ĐÂY