Bà Phan T. L. 58 tuổi vào khám bệnh với triệu chứng đau tức nhẹ ở ngực trái, đau không lan, cảm giác buồn nôn, vã mồ hôi, không khó thở. Bệnh nhân được kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở. Khi đo điện tim, phát hiện nhồi máu cơ tim cấp tính. Người bệnh được nhanh chóng chuyển đến chuyên khoa tim mạch chuyên sâu. Tại đây, chụp hình động mạch vành và phát hiện một nhánh động mạch bị tắc hoàn toàn, hai nhánh khác hẹp đến trên 90%.
Bệnh mạch vành:
là một loại bệnh tim thường gặp nhất và là nguyên nhân của hàng chục ngàn trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim mỗi năm. Tim bơm máu đi nuôi cơ thể và chính tim cũng được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu gọi là động mạch vành (còn gọi là mạch vành).
Các nguy cơ gây bệnh:
Bệnh mạch vành, bệnh tim do mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ hay những cụm từ như suy mạch vành, thiểu năng vành là dùng để chỉ tình trạng của động mạch vành, động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng tim bị hẹp.
Bệnh thường do mảng xơ vữa gây tổn thương lớp nội mạc động mạch vành. Càng ngày, các mảng xơ vữa càng phát triển nhiều hơn, khiến tim không nhận đủ máu và năng lượng đến nuôi dưỡng gây thiếu máu cơ tim. Nếu một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc hoàn toàn (do mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, loét hoặc do hình thành cục máu đông) sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, đưa đến choáng tim, suy tim, rối loạn nhịp tim…
Nguyên nhân của xơ vữa động mạch vành chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay, khi nói đến nguyên nhân của bệnh lý mạch vành, y văn thường dùng thuật ngữ: “yếu tố nguy cơ”. Yếu tố nguy cơ của động mạch vành là những yếu tố mà khi hiện diện ở một người nào, sẽ làm cho tỷ lệ bệnh động mạch vành, tỷ lệ thương tật, tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành cao hơn những người khác.
Các chuyên gia tim mạch xác định rằng những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bệnh động mạch vành được phân chia thành hai loại: loại không điều chỉnh được và loại điều chỉnh được, bao gồm:
- Giới tính: nam thường có nhiều yếu tố tim mạch hơn nữ, mặc dù sau tuổi mãn kinh 5 đến 10 năm nguy cơ bệnh tim mạch của nữ cũng tăng lên.
- Di truyền: những người có tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành sớm (trước tuổi 55), bệnh tăng huyết áp, nồng độ cholesterol và nồng độ đường (glucose) trong máu cao là những bệnh lý liên quan đến yếu tố gia đình.
- Tuổi: nhiều nghiên cứu cho thấy cứ 5 người tử vong do bệnh mạch vành thì có 4 người ở tuổi 65 trở lên. Bệnh thường tiến triển hàng chục năm song hành với thành các động mạch ngày càng trở nên xơ cứng mức độ đàn hồi giảm gây lắng đọng nhiều mảng xơ vữa.
- Tăng huyết áp: làm xói mòn và khoét rộng những tổn thương lớp nội mạc của động mạch, không những thế tim còn phải gia tăng hoạt động để đáp ứng với áp lực máu luôn cao trong lòng động mạch, lâu dài tim sẽ suy bơm. Càng nguy hiểm cho tim hơn khi động mạch vành bị hẹp, máu và năng lượng nuôi tim càng suy yếu nếu trái tim đó đã từng bị nhồi máu.
- Nồng độ mỡ trong máu cao (cholesterol) nhất là các loại mỡ xấu (LDL tăng, HDL giảm, triglyceride tăng…) sẽ làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
- Bệnh đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường (nồng độ đường trong máu cao) làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, bệnh thận, đột quỵ lên rất cao do bệnh đái tháo đường thường làm tổn thương mạch máu.
- Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp do tim phải hoạt động quá mức, nồng độ mỡ trong máu tăng, tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường và là tiền đề của bệnh mạch vành.
- Hút thuốc lá: khói thuốc lá gây tổn thương mạch máu, hút thuốc lá cộng với các yếu tố nguy cơ khác sẽ làm bệnh mạch vành gia tăng đáng kể.
- Lối sống tĩnh tại (ít hoạt động thể lực) là nguy cơ của béo phì và các nguy cơ khác như tăng nồng độ mỡ, đường trong máu…
- Stress: các chuyên gia tim mạch cũng cảnh báo rằng có mối liên quan giữa bệnh mạch vành và các căng thẳng không kiểm soát được trong cuộc sống.
- Tuổi tác, giới tính, di truyền là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được.
Trở lại trường hợp bà Phan T. L., bà có 3 yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành là bệnh đái tháo đường trên 3 năm. Bà được điều trị và kiểm soát đường huyết tốt, mãn kinh trên 5 năm, gia đình có cha mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Với 3 mạch vành bị hẹp và tắc, bà phải trải qua thủ thuật nong mạch vành làm cho máu lưu thông trở lại để nuôi tim. Hiện tại, sức khỏe của bà đang dần ổn định.
Triệu chứng bệnh mạch vành:
Bệnh mạch vành có triệu chứng, dấu hiệu và mức độ thay đổi trên từng cá thể. Bệnh có thể hoàn toàn không có biểu hiện gì hoặc đau thắt ngực với nhiều mức độ khác nhau, đôi khi đau thắt ngực kèm với khó thở nhanh, nông…đó có thể là biểu hiện của nhồi máu cơ tim. Có một số trường hợp người bệnh không có biểu hiện gì, trong y văn gọi đó là thiếu máu cơ tim thể im lặng. Mặc dù lượng máu đến nuôi cơ tim thiếu do động mạch vành bị hẹp nhưng người bệnh không hề cảm thấy đau ngực.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng: khi động mạch vành hẹp đến 50% đường kính mà vẫn không có biểu hiện đau ngực vì mức độ hẹp đó chưa gây giảm lưu lượng máu. Thiếu máu cơ tim thể im lặng rất thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Trên người bệnh này, tổn thương thần kinh của bệnh làm cho họ bị giảm nhạy cảm với cơn đau.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh động mạch vành là nhồi máu cơ tim và đột tử, các biến chứng khác bao gồm rối loạn nhịp tim và suy tim.
Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ là người giúp tầm soát các yếu tố nguy cơ dựa trên các kết quả xét nghiệm và đề ra các phương hướng theo dõi, điều trị thích hợp cho từng thể bệnh. Bệnh mạch vành tựa như “sát thủ” giấu mặt bởi triệu chứng nghèo nàn nhưng bệnh lại rất nặng nề. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa từ sớm bệnh này bằng cách thay đổi cho lối sống lành mạnh hơn.
Các nhóm nguy cơ cao
Do tính chất bệnh mạch vành phức tạp ẩn chứa nhiều nguy cơ nên các chuyên gia y học nói chung và chuyên gia tim mạch nói riêng đã nghiên cứu tìm ra nhiều biện pháp nhằm phát hiện sớm để phòng ngừa và điều trị tích cực khi có bằng chứng của bệnh. Một trong những biện pháp đó là phân tầng các yếu nguy cơ thành 3 nhóm:
Nhóm nguy cơ thấp:
• Không hút thuốc lá
• Không thừa cân
• Huyết áp tâm thu</=120mmHg, huyết áp tâm trương</=80mmHg
• Không có bệnh đái tháo đường (tiểu đường)
• Cholesterol máu không cao
• Gia đình không ai mắc bệnh tim mạch sớm
Nhóm nguy cơ cao:
• Đã xác định có bệnh mạch vành hay có bệnh lý mạch máu khác
• Có bệnh đái tháo đường type 2
• Trên 65 tuổi
• Có ít nhất 2 yếu tố nêu trên
Nhóm nguy cơ trung bình: không ở trong 2 nhóm nguy cơ thấp và cao.
Những người ở nhóm nguy cơ thấp nên duy trì lối sống lành mạnh, điều độ và chưa cần can thiệp gì thêm.
Những người ở nhóm nguy cơ trung bình và cao nên ý thức rằng sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh động mạch vành trong tương lai hoặc đã mắc rồi nhưng bệnh còn giấu mặt. Thay đổi lối sống như duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lí, luyện tập thể lực thường xuyên và vừa sức, kiểm soát huyết áp, hạn chế ăn các chất béo (mỡ động vật..), tăng cường ăn cá, các loại rau củ nhiều chất xơ, ngừng hoàn toàn thuốc lá… là những biện pháp cơ bản trong phòng ngừa bệnh mạch vành.
(theo BS CK2 Trần Thị Thúy Đào
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh)
———————————————————–
Nếu có bất kì vấn đề gì về sức khỏe, xin đừng chủ quan, hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hoặc gọi chúng tôi theo Hotline 028.3863.2553
Hoặc đăng ký khám TẠI ĐÂY
XEM THÊM:Khám Tầm Soát Bệnh Tim Mạch