Đau đầu
Thoái hóa cột sống cổ gây đau đầu vùng cổ gáy kèm chóng mặt ù tai, hay gặp từ lứa tuổi trung niên trở đi, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc nghiêm trọng. Đây là tình trạng thoái hóa tự nhiên của các đốt sống kết hợp với các hiện tượng viêm và lắng đọng canxi trên dây chằng quanh cột sống. Hiện tượng này tiến triển chậm, và dần dần làm hẹp các lỗ liên hợp nằm sau đốt sống, cản trở sự lưu thông tự nhiên của mạch máu và các dây thần kinh, gây ra Đau nhức mỏi cổ ảnh hưởng đến những cử động cơ bản như cúi, xoay hoặc ngửa cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ gây đau đầu, chóng mặt, ù tai cũng là một trong những hiện tượng hết sức phiền toái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ đâu và giải pháp như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu
Bệnh này cũng đang có xu hướng trẻ hóa do giới trẻ ngày nay làm việc nhiều với công nghệ máy tính, điện thoại, sinh hoạt thiếu khoa học, dân văn phòng ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính với tư thế sai, cũng gây ảnh hưởng nhiều đến đốt sống cổ gây ra thoái hóa, vôi hóa cột sống (hay thường gọi Gai cột sống).
1. Đau đầu do thoái hóa đốt sống cổ có biểu hiện ra sao?
— Cơn đau xuất phát từ phía sau đầu lan lên vùng chẩm, vùng trước trán và thái dương, một số trường hợp, người bệnh đau nhức mắt cảm giác giảm thị lực,Đau có thể lan ra sau tai, làm hạn chế cử động cổ, hoặc có tư thế sái cổ
— Đau cùng có thể từ vùng gáy cổ lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả hai bên, gây tê mất cảm giác, và có thể gây liệt
— Khi có biểu hiện chèn ép rể thần kinh cổ, bệnh nhân có thể bị cứng cổ và đau giật xuống cánh tay khi ho/ hắt hơi kèm yếu tay
2. Đau đầu do thoái hóa cột sống cổ thường gặp ở đối tượng nào?
Các yếu tố nguy cơ của bệnh thoái hóa cột sống cổ bao gồm:
- Tuổi: Người có tuổi là một đối tượng nguy cơ cao. Thoái hóa đốt sống cổ thường xuất hiện trên những người ở tuổi trung niên (40 – 50 tuổi), do quá trình lão hóa các đĩa liên đốt, các thân đốt do tưới máu kém nên dễ xuất hiện bệnh.
- Nghề nghiệp: Những làm việc ở tư thế cúi, cử động nhiều ở vùng đầu cổ, cường độ lao động cao (làm suốt ngày không nghỉ) và thâm niên lao động (tuổi nghề). Những người dễ bị thoái hóa đốt sống cổ nhất là người đi cấy, thợ cấy (thoái hóa đốt sống cổ và đốt sống lưng), thợ cắt tóc, nha sĩ, bác sĩ chuyên khoa răng, thợ sơn trần, thợ trát vách, diễn viên xiếc. Đây cũng là bệnh thường gặp nhất đối với những người làm việc trong văn phòng. Nhân viên văn phòng là một trong những đối tượng có khả năng mắc chứng bệnh này cao nhất do thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động, ít thời gian nghỉ ngơi.
- Chấn thương cổ: Chấn thương cổ trước đây xuất hiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
- Yếu tố di truyền: Những người có người thân từng mắc căn bệnh này cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn những người trong gia đình không có người bị bệnh.
- Hút thuốc: Hút thuốc có liên quan đến tăng đau cổ.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thoái hóa cột sống cổ:
Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ dựa vào thăm khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng sau:
— Khám lâm sàng
Bệnh nhân đến khám vì những cơn đau đầu xuất phát từ vùng gáy cổ hoặc chóng mặt có liên quan đến tư thế cổ
- Bác sĩ khám: Kiểm tra tầm vận động của cột sống cổ, tìm kiếm những điểm xuất phát gây đau hay những khối cơ bị co thắt ở vùng cổ gáy, tìm những điểm đau cò súng.
- Kiểm tra các phản xạ và sức cơ ở hai tay để phát hiện các tác động của thoái hóa lên các dây thần kinh hoặc tủy sống.
BS Huỳnh Văn Phụng đang đo kiểm tra chèn ép rể thần kinh cổ – cánh tay ở một bệnh nhân
— Chỉ định các xét nghiệm
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể cung cấp thông tin chi tiết phục vụ cho chẩn đoán cũng như điều trị. Có thể thực hiện các phương pháp sau:
- X-quang cột sống cổ: X-quang có thể cho thấy những bất thường, chẳng hạn như gai xương, cầu xương là dấu hiệu trực tiếp của thoái hóa đốt sống cổ. X-quang cổ chếch ¾ để phát hiện hẹp lỗ liên hợp đốt sống và cũng giúp loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khác đối với đau cổ và cứng khớp, chẳng hạn như khối u, nhiễm trùng hoặc gãy xương.
- Chụp CT: Chụp CT có thể cung cấp hình ảnh chi tiết hơn, đặc biệt là các tổn thương xương ở mức độ rất nhỏ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể giúp xem xét kỹ lưỡng hình ảnh đốt sống và các đĩa đệm bị hư hại, xác định chính xác các khu vực nơi dây thần kinh có thể bị chèn ép.
- Điện cơ (Electromyography): Thử nghiệm về mặt chức năng để xem xét có hoặc không chèn ép rể thần kinh cổ-cánh tay
3. Điều trị đau đầu do thoái hóa cột sống cổ
Kết hợp điều trị nội khoa, và thuốc điều trị thần kinh cùng phương pháp tập vật lý trị liệu thích hợp giúp giảm đau, duy trì các cử động vùng cổ, ngăn ngừa và hạn chế tối đa sự tiến triển thoái hóa cột sống gây chèn ép rể thần kinh cổ và tủy sống
Điều trị nội khoa
- Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAID): việc lựa chọn các loại thuốc giảm đau trong nhóm này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và các bệnh kèm theo khác.
- Thuốc giãn cơ: một số loại thuốc, chẳng hạn như Tizanidin, Thiocolsiside hay nhóm eperisone, có thể giúp giảm sự co cơ từ đó giúp giảm đau.
- Thuốc chống động kinh: Một số loại thuốc điều trị động kinh, chẳng hạn như gabapentin và pregabalin, có thể làm giảm cơn đau của các dây thần kinh bị tổn thương.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm đã được chứng minh có thể giúp giảm đau cổ do thoái hóa đốt sống cổ.
BS Huỳnh Văn Phụng – CK Nội Thần Kinh BVĐK Vạn Hạnh
Vật lý trị liệu
Thông qua các bài tập để giúp kéo dài và tăng cường sức cơ ở cổ và vai. Đặc biệt với các phương pháp như kéo dãn, xoa bóp vùng gáy cổ, mát xa đá nóng, xung điện sẽ giúp làm giảm biểu hiện đau đáng kể.
Phẫu thuật
Nếu điều trị bảo tồn thất bại hoặc nếu các dấu hiệu và triệu chứng thần kinh chẳng hạn như yếu ở tay cần phẫu thuật để giải phóng chèn ép tạo thêm chỗ cho tủy sống và rễ thần kinh.
Các phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện là:
- Loại bỏ một đĩa đệm thoát vị hoặc xương.
- Loại bỏ một phần của đốt sống.
- Hợp nhất một phần của cổ bằng cách ghép xương và phần cứng.
Điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Chỉ định
– Điều trị bảo tồn thất bại.
– Thoát vị trung tâm hoặc cạnh trung tâm gây chèn ép tủy cổ, dẫn đến yếu cơ tứ chi, rối loạn cơ tròn. Các triệu chứng thần kinh tiến triển càng nhanh càng cần phẫu thuật sớm.
– Thoát vị lỗ liên hợp gây chèn ép rễ dẫn yếu cơ chi trên, gây đau liên tục dai dẳng, điều trị nội khoa ít nhất sáu tuần không đáp ứng.
Các phương pháp phẫu thuật:
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng nội soi: Phương pháp ít xâm lấn, ít tàn phá cơ, phần mềm, hiệu quả nhanh. Áp dụng với thể thoát vị lệch phía sau bên hoặc thoát vị lỗ liên hợp.
Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo lối trước: Bảo tồn được biên độ vận động của đĩa đệm, tuy nhiên chỉ áp dụng được khi không có mất vững cột sống.
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng lấy bỏ đĩa đệm, hàn xương liên thân đốt, cố định cột sống lối trước: Ưu điểm lấy bỏ rộng rãi thoát vị đĩa đệm và đĩa đệm thoái hóa, cố định vững chắc cột sống cổ. Thực hiện được khi không áp dụng được phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo. Nhược điểm: Mất biên độ vận động đĩa, gây thoái hóa các tầng liền kề nhanh hơn.
Với việc áp dụng phương pháp kỹ thuật hiện đại và trang thiết bị tân tiến, Bệnh viện Vạn Hạnh hy vọng sẽ giúp nhiều người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tiết kiệm thời gian cũng như chi trí điều trị.
(theo BS Nội Thần Kinh Huỳnh Văn Phụng – Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh)
XEM THÊM:
Chóng mặt và choáng váng – Thường gặp nhưng nguy hiểm!
Di chứng thường mắc hậu Covid-19
—————————————
Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
Hotline: 028.3863.2553
Website: benhvienvanhanh.com
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh