Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp đau nửa đầu migraine trong số 20 căn bệnh hàng đầu gây thương tật, làm mất sức lao động và sẽ là vấn nạn lớn toàn cầu. Hiện nay, bệnh đau nửa đầu migraine được coi là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ thường gặp ở người trẻ tuổi.
1. Triệu chứng đau nửa đầu Migraine
Nếu bạn bỗng dưng bị đau đầu dữ dội, đau nửa vùng trán, kèm theo buồn nôn hay nôn, sợ ánh sáng, tiếng ồn, có khi đau theo kiểu mạch đập, đau tưởng chừng các sợi dây thần kinh trong đầu sắp căng đứt, đau càng tăng khi ta khi gắng sức, gây hạn chế các hoạt động như đi bộ, leo cầu thang… khả năng cao bạn đã bị đau đầu với tên gọi Migraine.
Đau nửa đầu Migraine còn có những triệu chứng lâm sàng đi trước cơn đau như có điểm lóe sáng hoặc di chuyển; hoặc có thể là dưới dạng cảm giác tê bì và châm chích lan rộng dần ở một chi trên và mặt cùng bên.
Trước đây ông bà ta thường gọi căn bệnh này là “Thiên đầu thống” hay đau nửa đầu. Migraine là một bệnh phổ biến (thường gặp hàng thứ 2 sau đau đầu căng thẳng) và thường bắt đầu từ thời niên thiếu hoặc thanh niên, đạt đến đỉnh về tỉ lệ lưu hành (khoảng 25% dân số). Bệnh được ghi nhận phổ biến ở độ 20 tuổi đến 50 tuổi, hay đi kèm với các bệnh lý như trầm cảm, rối loạn cưỡng bức, rối loạn hoảng loạn và hội chứng đại tràng kích thích.
2. Tác nhân kích hoạt đau nửa đầu Migraine
Có nhiều tác nhân gây kích hoạt đau nửa đầu bao gồm:
- Các kích thích gây phản ứng quá mức (có thể là ánh sáng mạnh, mùi hắc, khói thuốc lá, nước hoa, tiếng ồn…)
- Thời tiết thay đổi đột ngột
- Thiếu ngủ, stress
- Thay đổi các yếu tố nội tiết (kinh nguyệt hoặc dùng thuốc ngừa thai)
- Rượu bia, sô-cô-la, phô-mai, thức ăn đóng hộp, bột ngọt, đường hóa học…
- Ăn uống không đủ bữa
- Các chấn thương đầu, cổ…
3. Điều trị đau nửa đầu Migraine
Theo Bác sĩ chuyên khoa Nội Thần Kinh: Huỳnh Văn Phụng, nguyên tắc điều trị của bệnh này khá phức tạp.
Tùy theo cơn đau, kiểu đau, thời gian đau đầu và các yếu tố khởi phát bao gồm các yếu tố nguy cơ từ tiền sử gia đình về Migraine mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị, người bệnh cần tuân thủ uống đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian.
Điều trị bệnh đau đầu migraine gồm: Điều trị cắt cơn đau đầu cấp, điều trị phòng ngừa cơn đau đầu tái phát. Thời gian điều trị phòng ngừa có thể kéo dài hơn 3 tháng.
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh có thể có vài biện pháp giúp giảm cơn đau đầu như nằm nghỉ trong phòng tối, yên tĩnh, đầu kê gối; đắp khăn lạnh bên nửa đầu bị đau; tránh khói thuốc lá và mùi hôi nồng nặc; thư giãn, ngủ nếu có thể; cũng có thể dùng kỹ thuật thiền, yoga.
Các loại thuốc đặc trị bệnh đau nửa đầu migraine cần được bác sĩ kê toa. Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần tái khám đều đặn để bác sĩ chuyên khoa theo dõi một cách cẩn thận nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc do dùng thuốc không đúng cách, làm bệnh chuyển sang dạng nặng và khó trị.
Bệnh đau nửa đầu migraine là bệnh rất thường gặp, dễ chẩn đoán, dễ tái phát nên cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Người bệnh nên dành thời gian tái khám và phối hợp điều trị với bác sĩ trong việc dùng thuốc đủ liều được chỉ định và kiên trì cho đủ thời gian điều trị nhằm đảm bảo khả năng phục hồi tối đa.
4. Phân biệt đau đầu Migraine với các bệnh đau đầu khác
Ngoài ra đau đầu migraine cần phân biệt với các dạng đau đầu khác, đặc biệt là các đau đầu thứ phát (đau đầu nặng không có biểu hiện lâm sàng kinh điển của Migraine, hoặc có các dấu hiệu thần kinh khu trú) như: xuất huyết màng não, nhồi máu não, xuất huyết não, huyết khối tĩnh mạch não; bóc tách động mạch; u hoặc áp xe não; viêm màng não…
Theo Bs CK1 Huỳnh Văn Phụng: Dựa trên tiêu chuẩn Chẩn đoán Migraine của Hiệp hội đau đầu quốc tế (International Headache Society IHS), bệnh nhân phải có từ 5 cơn đau đầu thỏa đủ tiêu chuẩn:
– Các cơn đau kéo dài từ 4 -72 giờ; cơn đau kèm theo ít nhất một trong các biểu hiện buồn nôn hoặc nôn ói, sợ ánh sáng hoặc sợ tiếng động
– Đau đầu ít nhất có 2 đặc tính sau:
+ Đau 1 bên đầu
+ Đau theo mạch đập
+ Cường độ trung bình hoặc nặng
+ Tăng lên hoặc làm hạn chế các hoạt động hằng ngày (đi bộ, bước lên cầu thang)
Đau đầu Migraine bị chuyển dạng do điều trị không đúng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau khi đau đầu xảy ra hằng ngày hoặc gần như hàng ngày (>15 ngày/1 tháng) và trên 1 tháng cùng với khoảng thời gian đau đầu trung bình >4 giờ/ngày (không điều trị)… ở một bệnh nhân đã có tiền sử Migraine, tăng về tần số nhưng giảm về độ nặng trong ít nhất 3 tháng.
5. Làm thế nào để không bị đau đầu Migraine
- Ngủ đủ giấc: ít nhất khoảng 7 giờ mỗi ngày. Thời gian ngủ rất quan trọng trong việc giúp cơ thể đào thải độc tố và hồi phục sức khỏe sau một ngày làm việc. Nếu không ngủ đủ giấc kéo dài, sẽ không chỉ mắc phải chứng đau nửa đầu, chóng mặt mà còn nhiều bệnh nguy hiểm khác.
- Kết hợp luyện tập thế dục và nghỉ ngơi: Chúng ta không nên để cơ thể mệt mỏi quá sức chịu đựng hoặc mệt mỏi kéo dài. Cần phải cân đối, điều hòa luyện tập thể thao kết hợp rèn luyện trí óc, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Giải tỏa stress: Stress là một trong những yếu tố thuận lợi góp phần làm bộc phát hoặc làm nặng thêm một số bệnh của hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch… Đồng thời, stress hạn chế hiệu quả điều trị bệnh nhất là đối với người bệnh đau đầu migraine.
- Bỏ thói quen có hại: không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá. Một số thực phẩm/ thuốc có thể gây ra nhức đầu, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị, không nên tự ngưng thuốc khi đang điều trị các bệnh phối hợp khác như tăng huyết áp hoặc đang điều trị bệnh tim động mạch vành…
Với đau nửa đầu Migraine, có nhiều giải pháp điều trị tùy theo từng nguyên nhân và thời điểm. Nếu bệnh nhân thăm khám ngay thời gian mới chớm bệnh, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả cao, không nên tự mua thuốc giảm đau uống, bệnh sẽ dễ dàng chuyển sang giai đoạn mãn tính và phụ thuộc thuốc giảm đau. Và tất nhiên, khi bệnh đã trở nặng sẽ làm cho chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tàn tật, mất khả năng lao động.
Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh thần kinh, mạch máu kết hợp trang thiết bị hiện đại gồm hệ thống chụp mạch DSA thế hệ mới nhất đáp ứng thực hiện các kỹ thuật cao, can thiệp các bệnh lý về thần kinh, mạch máu.
———————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.com
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh