Dưới đây là một trường hợp khá điển hình của bệnh hen phế quản hay còn gọi là bệnh hen nhưng người bệnh thường không có kiến thức về bệnh dẫn đến phải đi cấp cứu nhiều lần.
Chị N.T.H 54 tuổi, thợ uốn tóc, cư ngụ ở Long An bị cảm, ho khoảng 1 tuần. Chị tự đi mua thuốc uống nhưng không bớt, hai ngày qua ho nhiều đàm xanh, chảy nước mũi và thấy nặng ngực. Sáng nay, chị đi bộ từ chợ về nhà bỗng thấy mệt nhiều, ho, thở khò khè nên nhập viện.
Cách đây một năm, chị cũng bị một đợt cảm ho kéo dài cả tuần lễ và lên cơn mệt khó thở phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Con trai chị thường có những cơn ho, khò khè khi làm việc nặng gắng sức. Cháu ngoại của chị cũng hay bị ho, sổ mũi và có những đợt khò khè khó thở, đi khám bệnh bác sĩ cho dùng thuốc xịt thì hết khó thở sau ít phút.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám và tìm hiểu kỹ quá trình bị bệnh, bác sĩ yêu cầu chị đo chức năng hô hấp. Kết quả chị bị tắc nghẽn đường thở mức độ trung bình, sau khi hít thuốc dãn phế quản chị được đo chức năng hô hấp lại kết quả cho thấy đường thở có sự cải thiện rõ rệt. Chị cũng cảm thấy khoẻ hơn hẳn, không còn mệt như khi mới tới bệnh viện.
Nếu chị H. có kiến thức đầy đủ về bệnh của mình và biết thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, chị sẽ không bị lên cơn hen khó thở hoặc thậm chí không phải đi cấp cứu như lần trước.
Bệnh hen phế quản là tình trạng viêm mãn tính của đường thở. Viêm làm cho đường thở tăng tính đáp ứng, dễ bị ảnh hưởng với những tác nhân kích thích từ bên ngoài hoặc ngay chính bên trong cơ thể người bệnh làm co thắt phế quản và lên cơn hen.
Hen là bệnh khá phổ biến, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sinh hoạt khiến người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm, tốn kém do chi phí điều trị. Vì vậy, bệnh hen là gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Nhận biết bệnh hen phế quản
Tuỳ mức độ co thắt của phế quản mà người bệnh có biểu hiện khác nhau: nhẹ thì chỉ có ho hoặc cảm giác nặng ngực, nặng hơn thì khò khè, khó thở. Khi phế quản co thắt mạnh làm người bệnh khó thở dữ dội, nếu không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu bạn nhận thấy mình có những triệu chứng sau hãy đi khám bệnh và đo chức năng hô hấp để chẩn đoán xác định:
– Thường có những cơn ho, khò khè tái đi tái lại, giữa các cơn có thể bạn cảm thấy khoẻ như bình thường
– Thường có những cơn ho, khò khè xuất hiện về đêm làm bạn thức giấc
– Ho, khò khè khi vận động nhiều hay chơi thể thao
– Ho, khò khè khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích trong không khí, môi trường như bụi khói, khói bếp, khói thuốc, khói nhang, phấn hoa, lông thú nuôi trong nhà như chó mèo, hoặc mùi hăng nồng như dầu thơm, thuốc xịt phòng…
– Ho, khò khè khi ăn phải một loại thức ăn lạ nào đó
– Sau một đợt cảm cúm, bạn có triệu chứng ho, khò khè
Kiểm soát hen phế quản triệt để
Hiện nay chưa có loại thuốc hay phương pháp nào chữa khỏi hẳn bệnh hen. Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát triệt để bệnh hen. Khi bệnh hen được kiểm soát tốt nghĩa là bạn không còn lên cơn hen hoặc thỉnh thoảng mới lên cơn nhưng nhẹ, có thể sinh hoạt, làm việc, học tập, vui chơi như người bình thường, tối có thể ngủ yên giấc vì không còn triệu chứng hen.
Để kiểm soát tốt bệnh hen, bạn cần thực hiện những điều sau, với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa:
• Nhận biết và tránh tiếp xúc với các yếu tố gây lên cơn hen
• Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc xịt đúng kỹ thuật
• Nhận biết triệu chứng hen khi trở nặng và báo cho bác sĩ
• Biết cách xử trí cơn hen cấp
• Theo dõi định kỳ sau khi triệu chứng hen được kiểm soát
Những việc cần làm khi bị hen phế quản
• Thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về các biện pháp phòng tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen và cách dùng thuốc
• Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhiều người quan niệm sai lầm, cho rằng bị hen suyễn cần phải kiêng khem nhiều thứ. Thực ra, bạn chỉ nên tránh ăn những thức gây dị ứng làm bạn lên cơn
• Tập luyện thể lực đều đặn, đừng sợ tập luyện làm bạn lên cơn hen. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nên tập luyện như thế nào và môn thể thao nào thích hợp với bạn. Nhờ tập luyện sức đề kháng của bạn sẽ tăng lên giúp bạn ít bị cảm cúm. Tập luyện cũng giúp bạn chịu đựng cơn hen dễ dàng hơn
• Nếu bạn thường bị cảm cúm, nên tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần
• Nên cho người thân và bạn bè biết bạn bị hen và có thể giúp bạn thế nào khi bạn lên cơn hen cũng như biện pháp phòng ngừa. Nếu con bạn bị hen, hãy báo cho thầy cô của cháu biết
Những việc không nên làm
• Không tự ý ngưng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, mặc dù bạn thấy khoẻ và không lên cơn trong nhiều ngày.
• Không hút thuốc lá, vì hút thuốc làm cho bệnh kém đáp ứng với điều trị và có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
• Không nghe theo những lời mách bảo của những người không có chuyên môn vì bạn có thể gánh chịu những tác hại không lường trước được .
Hen là bệnh khá phổ biến, là gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Tuy không chữa khỏi hẳn được nhưng chúng ta có thể kiểm soát hen triệt để. Để đạt được điều đó, khi có triệu chứng nghi ngờ bạn hãy đi khám bệnh để được bác sĩ hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và dùng thuốc điều trị hen một cách an toàn và hiệu quả nhất.
ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA VẠN HẠNH
Kiểm tra sức khoẻ là việc cần thiết, bạn sẽ được đo huyết áp, đo điện tim, siêu âm, xét nghiệm đường huyết, cholesterol máu…nhưng bạn cần biết rằng có một số trường hợp cần đo chức năng hô hấp (CNHH) Đây là một phương pháp đơn giản giúp bác sĩ chẩn đoán và theo dõi bệnh ở đường hô hấp.
Không phải ai cũng cần đo chức năng hô hấp, bác sĩ sẽ chỉ định khi bạn có những biểu hiện sau:
– Ho dai dẳng
– Khó thở khi gắng sức
– Khi bạn thở nghe có tiếng khò khè
– Trên 40 tuổi và đang hút thuốc hay đã từng hút thuốc
– Bạn mắc bệnh đường hô hấp đang điều trị và theo dõi
Đây là phương pháp đơn giản, dễ làm, không gây đau, cho kết quả đáng tin cậy và không tốn kém.
Mục đích của phương pháp đo chức năng hô hấp là để biết:
– Tình trạng hoạt động của phổi qua các thông số về thể tích, tỉ lệ…
– Nguyên nhân làm bạn khó thở
– Giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh ở phổi như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
– Đánh giá mức độ nặng của bệnh và tiên lượng bệnh
– Đánh giá hiệu quả của việc điều trị
Nên nhớ rằng việc đo chức năng hô hấp được thực hiện sớm sẽ giúp bác sĩ phát hiện và điều trị bệnh sớm. Điều này rất quan trọng bởi điều trị sớm bệnh sẽ mau chóng thuyên giảm, làm chậm sự tiến triển của bệnh, ngừa tái phát và cải thiện chất lượng sống của người bệnh.
Đo CNHH là phương pháp không thể thiếu trong việc chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh đường hô hấp , và ngày càng được áp dụng rộng rãi.
(theo BS Đồng Sĩ Tính
Phòng khám Hô hấp Bệnh viện ĐK Vạn Hạnh)
———————————————
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.com
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.com
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh