“Rối loạn chuyển hóa lipid máu” dân gian thường gọi là “Rối loạn mỡ máu”, “Mỡ máu cao” hay “Máu nhiễm mỡ”.
- Rối loạn mỡ máu là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh?
Lipid là những chất có vai trò quan trọng, như làm nguyên liệu của nội tiết tố và mật, là nguồn năng lượng dự trữ cho cơ thể dưới dạng mỡ. Rối loạn mỡ máu là bệnh lý khi lipid máu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.
Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu có thể do di truyền hoặc lối sống không hợp lý.
– Rối loạn mỡ máu di truyền thường mắc bệnh từ nhỏ, gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi.
– Rối loạn mỡ máu do lối sống thường gặp ở trung niên, người lớn tuổi ít vận động, dùng nhiều bia rượu, thức ăn nhiều dầu mỡ.
– Bệnh cũng có thể xuất hiện do các bệnh lý khác như tiểu đường, suy thận mạn, xơ gan, hay dùng một số thuốc.
Bệnh máu nhiễm mỡ không phân biệt người gầy hay mập, nếu người gầy ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia thì vẫn có thể bị bệnh mỡ máu, còn ở người mập thì có nhiều yếu tố nguy cơ cao hơn nên khả năng bị bệnh mỡ máu cao hơn.
- Biểu hiện của rối loạn mỡ máu
Bệnh khó nhận biết vì không có biểu hiện rõ ràng. Hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh trong các trường hợp sau :
– Xét nghiệm mỡ máu tăng cao, máu đục như sữa, siêu âm thấy gan nhiễm mỡ (mỡ tích tụ nhiều trong gan), …
– Có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não do xơ vữa động mạch; viêm tụy cấp, … Hậu quả có thể dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, yếu liệt, thậm chí tử vong.
Vì vậy cần làm xét nghiệm máu để xác định rối loạn lipid máu.
Khi nào cần xét nghiệm rối loạn lipid máu
Nên xét nghiệm mỡ máu ở người từ 40 tuổi trở lên. Những đối tượng sau đây nên tầm soát ở độ tuổi sớm hơn :
– Nữ từng bị tăng huyết áp thai kỳ.
– Có bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh động mạch chủ bụng, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính.
– Đái tháo đường, béo phì.
– Hút thuốc lá.
– Mắc bệnh khác như viêm ruột, nhiễm HIV, rối loạn cương, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
– Gia đình có người bệnh mạch vành, rối loạn mỡ máu.
Ở những người có mỡ máu bình thường, nên kiểm tra định kỳ 6 tháng/1 lần. Ở bệnh nhân rối loạn mỡ máu hoặc có bệnh mạn tính nên kiểm tra định kỳ thường xuyên hơn theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Cần chuẩn bị gì khi đi xét nghiệm máu nhiễm mỡ ?
Thời điểm tốt nhất để xét nghiệm mỡ máu là buổi sáng và nhịn đói qua đêm ít nhất 12 tiếng. Vì vậy, trước khi lấy máu, cần lưu ý :
– Không ăn hoặc uống gì, kể cả trà, cà phê hoặc sữa vào buổi sáng xét nghiệm. Có thể uống nước lọc.
– Nếu xét nghiệm lúc 8g sáng, không ăn hoặc uống gì sau 8g tối.
– Không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu vào đêm hôm trước.
– Không tập thể dục nặng trước khi lấy máu.
– Trong trường hợp có bệnh mạn tính cần uống hoặc tiêm thuốc vào buổi sáng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Biện pháp phòng ngừa biến chứng của bệnh máu nhiễm mỡ
- Chế độ ăn hợp lý :
– Giảm chất béo có hại : mỡ động vật (heo, bò, cừu, gia cầm, …), dầu thực vật (dầu dừa, dầu cọ), chất béo chiên rán.
– Hạn chế đạm động vật (thịt đỏ, thịt gia cầm, …), các sản phẩm từ sữa động vật, trứng.
– Hạn chế rượu.
– Ăn nhiều rau, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hồ đào, …).
– Sử dụng dầu ô liu.
– Sử dụng đạm từ đậu nành (sữa, đậu hủ, …), hải sản để giảm thịt.
- Tăng cường vận động, tập thể dục.
- Xét nghiệm lipid máu định kỳ, nhất là đối với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, béo phì…
- Khi đã phát hiện có rối loạn lipid máu nên điều trị sớm
- Nên đi xét nghiệm ở đâu?
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với hệ thống trang thiết bị tiên tiến cùng hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe sẽ là nơi đáng tin cậy trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho mọi người dân.
(theo BS Nguyễn Quốc Bảo – Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh)
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết – chuyển hóa.
- 2016 Canadian Cardiovascular Society Guidelines for the Management of Dyslipidemia for the Prevention of Cardiovascular Disease in the Adult.
- https://www.portea.com/labs/diagnostic-tests/lipid-profile-69/#section_3
- Robert B Kelly. Diet and Exercise in the Management of Hyperlipidemia. Am Fam Physician. 2010;81(9):1097-1102, 1103-1104.
———————–
Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”