Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng hay quên ở người già:
– Do tuổi nói chung, quá trình lão hóa làm giảm sút các chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ thể. Hoạt động của các tế bào thần kinh cũng chậm dần theo năm tháng, đồng thời các chất cần thiết cho sự hoạt động của hệ thần kinh cũng giảm sút, dẫn đến trí nhớ giảm dần.
Khởi đầu là khó ghi nhớ những thông tin mới và chậm nhớ lại những thông tin cũ do suy giảm khả năng tập trung và sự chú ý. Tuy nhiên, khi cho bệnh nhân thời gian và động viên tinh thần thì bệnh nhân vẫn có thể có sinh hoạt hằng ngày bình thường.
– Do bệnh tật người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc. Hầu hết các bệnh đều ảnh hưởng đến hoạt động trí nhớ của người già ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên có những bệnh ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ghi nhớ của người già còn gọi là bệnh sa sút trí tuệ. Có hai bệnh lý chính gây nên sa sút trí tuệ:
• Bệnh mạch máu: xảy ra sau khi bị đột quỵ thiếu máu não.
• Bệnh Alzheimer : nguyên nhân hiện nay vẫn chưa rõ, nhưng bệnh này chiếm 60-70% trường hợp sa sút trí tuệ.

Biểu hiện thường gặp nhất của sa sút trí tuệ giai đoạn sớm là giảm khả năng ghi nhớ, hay quên những việc vừa xảy ra. Bệnh nhân có thể quên điều vừa nói ra và lặp đi lặp lại câu nói này nhiều lần trong vài phút. Họ thường xuyên để quên những vật dụng cá nhân, tình trạng này kéo dài làm bệnh nhân có tâm lý hoang tưởng là bị mất trộm.
Ngoài ra bệnh nhân cũng gặp khó khăn trong tìm từ để diễn đạt lời nói hay giải thích một điều gì đó. Họ thường nói vòng vo như không nhớ đôi dép nên phải mô tả một vật mang dưới chân. Đồng thời họ cũng có thể gặp khó khăn khi làm các công việc hằng ngày như nấu ăn, đi xe…
Những biểu hiện khác của sa sút trí tuệ trong giai đoạn này là thay đổi cá tính, rối loạn cảm xúc, giảm khả năng phán đoán. Họ có những hành động không giống như họ đã từng làm trước đó, ví dụ một người keo kiệt bỗng nhiên tỏ ra hào phóng. Họ cũng dễ bị trầm cảm hay hoang tưởng. Tuy nhiên hoạt động xã hội của bệnh nhân trong giai đoạn này không bị ảnh hưởng, nhưng họ có thể hay cáu gắt, kích động đôi khi hơi tàn nhẫn. Trong những tình huống khó khăn hay bức xúc thì sự suy giảm trí tuệ có thể biểu hiện rõ rệt, họ đi quãng đường xa thăm người thân thì dễ bị lạc hay mất định hướng, đi lòng vòng.
Ở mức độ trung bình, bệnh nhân giảm khả năng tự chăm sóc bản thân như tắm rửa, mặc đồ, vệ sinh cá nhân. Họ không thể nhớ sự việc mới xảy ra, mất định hướng không gian thời gian, thậm chí họ có thể quên nhà vệ sinh, phòng ngủ ở đâu và không phận biệt được buổi sáng, buổi chiều.
Do sự nhầm lẫn, giảm khả năng phán đoán, bệnh nhân dễ bị té ngã gây gãy xương. Những rối loạn hành vi ở giai đoạn đầu cũng biểu hiện rõ trong giai đoạn này.
Hoang tưởng ảo giác xuất hiện ở khoảng 25% bệnh nhân. Bệnh nhân có thể không nhận ra mình trong gương mà nghĩ là có người lạ trong nhà. Tình trạng này có thể ngày càng nặng và kéo dài làm bệnh nhân dễ bị kích động.

Hiện nay, chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hẳn bệnh hay quên, sa sút trí tuệ. Một số thuốc hiện nay như tacrine, galantamine, donepezil có thể làm chậm tiến triển của bệnh đồng thời cải thiện được một số chức năng nhận thức, khả năng ghi nhớ, đặc biệt ở giai đoạn sớm của bệnh. Ngoài ra các vitamin C, E cũng có vai trò tích cực trong việc cải thiện triệu chứng của người bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này cần phải có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa mà không nên tùy ý sử dụng vì thuốc có khá nhiều tác dụng phụ. Cần nhớ rằng vấn đề chăm sóc người bệnh có vai trò quan trọng hơn cả.
• Ăn uống: vì sự an toàn, không cho người bệnh liên can đến nấu nướng. Nhắc nhở giờ ăn, dọn từng món để người bệnh không bị bối rối khi lựa chọn món ăn. Đôi khi họ chỉ thích ăn một món, nên xen kẽ món ăn để tránh suy dinh dưỡng. Nếu quên cách dùng đũa, muỗng họ có thể cầm tay. Cho ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày vì họ có thể không chịu ngồi yên một chỗ trong bữa ăn.
• Sinh hoạt: khuyến khích họ hoạt động ban ngày, hạn chế ngủ ngày. Không nên cho uống nhiều nước về đêm.
• Dùng thuốc: để xa tầm tay người bệnh và khóa kỹ, trực tiếp cho họ uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Nếu người bệnh không chịu uống thuốc nên nghiền nhỏ pha với nước, đôi khi phải dỗ dành như với trẻ em.
• Trang phục: chọn áo quần rộng rãi, thoải mái, đơn giản, ít nút. Nếu họ chỉ thích một bộ nào đó thì nên có nhiều bộ y hệt như vậy.
• Vệ sinh tắm rửa: khi tắm đôi khi họ nghịch giỡn như trẻ con hoặc không chịu tắm, cần kiên nhẫn, có thể khuyến khích họ tự tắm, tôn trọng sự riêng tư. Phòng tắm có tay vịn, ghế, nền nên lót cao su. Kiểm tra nước nóng lạnh vừa đủ.
• Tinh thần: theo thời gian bệnh diễn tiến nặng hơn, tính tình thay đổi dễ cáu gắt; bướng bỉnh; khó chịu; nghi ngờ. Cần nhẹ nhàng, an ủi với lời nói ngắn gọn dễ hiểu. Một cái ôm hôn, vỗ vai nhẹ, một nụ cười để họ cảm thấy được yêu thương.
• Quản lý: để không đi lang thang cần dùng khóa cổng có chìa. Cho đeo vòng có tên, địa chỉ, số điện thoại người thân. Có thể nhờ hàng xóm để ý giùm khi người bệnh ra khỏi nhà.
• Phòng ở: cần đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc, đồ dùng trong nhà cần sắp xếp gọn gàng. Treo những hình ảnh vui vẻ ngày xưa để kích thích trí nhớ. Con cháu nên tới thăm hỏi thường ngày, nhất là trẻ con.
Phòng ngừa sa sút trí tuệ:
• Thường xuyên đọc sách báo, tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt các câu lạc bộ phù hợp với bản thân, tránh cuộc sống cô độc.
• Tập thể dục đều đặn, thường xuyên như tập dưỡng sinh, đi bộ…
• Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.
• Ăn nhiều rau quả, giảm các chế phẩm sữa, ăn ít thịt, giảm ăn muối.
• Điều trị tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch.
• Khi bệnh nhân có dấu hiệu hay quên, giảm trí nhớ người nhà cần đưa đi gặp bác sĩ ngay, vì có khoảng 50% sau 3 năm sẽ chuyển thành bệnh sa sút trí tuệ.
———————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh