Suy tim là vấn đề lớn của nhân loại vì số người suy tim ngày càng tăng.
– Tại Mỹ khoảng 5 triệu bệnh nhân đang điều trị suy tim. Mỗi năm trên 500.000 người được chẩn đoán lần đầu suy tim.
– Tại Châu Âu, với trên 500 triệu dân, ước lượng tần suất suy tim từ 0,4 – 2%, do đó có từ 2 triệu đến 19 triệu người mắc phải.
– Tại Bệnh viện Vạn Hạnh trong hơn 10 năm qua bộ phận siêu âm tim đã siêu âm hàng trăm ngàn trường hợp, trong đó tỉ lệ bệnh nhân có suy tim (có dấu hiệu lâm sàng điển hình và siêu âm tim có phân xuất tống máu EF <50%) ước khoảng # 1.2%.
Suy tim là một hội chứng phức tạp, và là hậu quả của rất nhiều bệnh lý khác nhau như: bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim… Hội chứng này gia tăng theo tuổi thọ.
Đa số bệnh nhân đến khám tại bệnh viên chúng tôi ở giai đoạn quá trễ và suy tim đã là hậu quả nặng nề của một bệnh lý nào đó đưa đến.
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim không tống đủ lượng máu (có chứa dưỡng chất và oxy) để nuôi cơ thể. Đây là hậu quả của sức bóp của tim suy yếu (suy tim tâm thu) hoặc tim dãn nở không đầy đủ (suy tim tâm trương).
Đây là một hội chứng chứ không phải là bệnh lý suy tim, nó là hậu quả của một bệnh lý nào đó đưa đến. Vì vậy khi bạn có dấu hiệu suy tim thì bệnh lý đó cũng ở giai đoạn nặng.
Dấu hiệu suy tim
• Khi bạn cảm thấy mau mệt hơn đặc biệt là trong những việc sinh hoạt hàng ngày như lên thang lầu hay làm một việc mà trước đây bạn cảm thấy bình thường.
• Bạn không thể nằm đầu thấp để ngủ mặc dù trước đây bạn ngủ rất tốt với tư thế này. Đôi khi bạn có những cơn khó thở vào ban đêm và muốn ngồi dậy để thở.
• Bạn có thể phù chân (phù và ấn lõm vùng cẳng chân, mắt cá chân, mu bàn chân…), có thể kèm tĩnh mạch ở cổ nổi lên rõ rệt.
• Khó thở: Bạn cảm thấy nhịp thở của mình nhanh, gấp gáp hơn, nông hơn, xảy ra thường xuyên hoặc khi gắng sức.
• Ho: Một triệu chứng ít thấy hơn và không được chú ý của suy tim là ho khan kéo dài, ho thường nặng lên khi nằm.
• Mệt mỏi: người bị suy tim thường than phiền mệt mỏi và không thể gắng sức được. Ngoài ra bệnh nhân thường có dấu hiệu cường thần kinh giao cảm như lạnh đầu chi, vã mồ hôi…
• Đau hạ sườn phải: Những bệnh nhân suy tim phải có thể bị đau ở hạ sườn phải do ứ máu ở gan quá mức.
• Dấu hiệu tiêu hóa: Người bệnh cảm thấy không muốn ăn uống gì, buồn nôn do phù ruột và tưới máu đường tiêu hóa giảm…
Tầm soát và chẩn đoán suy tim
Cho đến hiện nay không có riêng một xét nghiệm nào chắc chắn để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ kết hợp các dấu hiệu và triệu chứng với một số xét nghiệm để kết luận bạn có bị suy tim hay không.
1. Điện tâm đồ: vài dấu hiệu giúp gợi ý các buồng tim lớn, nhịp tim nhanh, loan nhịp (rung nhĩ, ngoại tâm thu…), thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim cũ.
2. X quang tim phổi thẳng: Hình ảnh bóng tim lớn hoặc ứ máu phổi là dấu hiệu, hoặc tràn dịch màng phổi.
3. Siêu âm tim: xét nghiệm này giúp đánh giá tim co bóp còn tốt hay không (phân suất tống máu: EF), tim có dày dãn thất hay không, có thể giúp tìm nguyên nhân suy tim (bệnh cơ tim thiếu máu do tổn thương động mạch vành, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh…).
4. Xét nghiệm máu:
Đo nồng độ NT-proBNP trong máu giúp chẩn đoán sớm suy tim hiện rất có giá trị, tuy nhiên xét nghiệm này hiện tại chưa được thực hiện rộng rãi.
Các phương pháp điều trị
1. Không dùng thuốc:
– Không được gắng sức hoặc chơi các môn thể thao nặng.
– Không nên ăn mặn (nhiều muối hơn 2g/ngày, hoặc ăn lạt hơn thường ngày).
– Tránh các lo âu, căng thẳng kéo dài.
2. Dùng thuốc:
– Là phương thức bắt buộc cho đa số bệnh nhân vì các thuốc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, tăng khả năng gắng sức, giảm nhập viện và kéo dài cuộc sống.
3. Tái đồng bộ tim: là phương pháp đặt điện cực vào buồng tim phải và xoang vành tim giúp tim kích thích đồng bộ, có tác dụng giảm triệu chứng, cải thiện chức năng tim và giảm tỉ lệ tử vong.
4. Cấy máy tạo nhịp-khử rung: là phương pháp áp dụng cho người có loạn nhịp và người có nguy cơ đột tử cao.
5. Thông tim: nong và đặt Stent động mạch vành bị hẹp hay tắc nghẽn.
6. Phẫu thuật tim: phẫu thuật điều trị nguyên nhân như phẫu thuật thay van tim nếu bệnh van tim, phẫu thuật điều chỉnh tim bẩm sinh, phẫu thuật bắt cầu động mạch vành cho bệnh tim thiếu máu và nhồi máu cơ tim, phẫu thuật bóc cơ tim cho bệnh cơ tim phì đại…
7. Phẫu thuật ghép tim là biện pháp cuối cùng cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.
Lưu ý khi điều trị
– Tuân thủ điều trị suy tim do bác sĩ chỉ định. Không tự ý sử dụng toa thuốc hoặc bỏ điều trị bởi vì các bạn khỏe hơn nhiều là nhờ điều trị không có nghĩa là các bạn đã hết bệnh.
– Trong thời gian điều trị nếu các bạn cảm thấy mệt hơn, khó thở hơn, phù nhiều hơn thì nên gặp lại bác sĩ của bạn ngay mà không chờ đến khi hết thuốc.
– Nên cân nặng hằng ngày, đo huyết áp, theo dõi lượng nước tiểu hằng ngày để báo bác sĩ điều chỉnh thuốc.
Làm thế nào để phòng ngừa suy tim?
1. Cần khám bác sĩ khi có viêm họng vì đây là nguyên nhân gây ra bệnh van tim do thấp tim ở trẻ em. Khi có đau khớp, sưng khớp cần đến bác sĩ để xác minh nguyên nhân đau khớp để điều trị tốt bệnh thấp khớp cấp.
2. Đối với các bệnh nhân có tim bẩm sinh, bệnh van tim nặng cần được can thiệp sớm để tránh suy tim sau này.
3. Đối với các bệnh nhân lớn tuổi có cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu cơ tim cần điều trị và theo dõi đều đặn để tránh tiến triển nặng.
4. Người lớn tuổi nên đi kiểm tra điện tim, siêu âm tim và chụp X quang tim phổi thẳng hàng năm để tầm soát nguyên nhân và phát hiện sớm.
(Bs. Lê Dzạ Uyên – Phòng khám 2
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
———————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.com
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh