Bs.CK1. Đoàn Thị Cẩm Anh – Phòng khám 2
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
Tăng huyết áp bệnh phổ biến và nguy hiểm:
Trên thế giới có 1.5 tỷ người bị tăng huyết áp, ở Mỹ 50 triệu người bị tăng huyết áp, ở Việt Nam năm 1970 tỷ lệ mắc tăng huyết áp là 1.9% đến 1991 tỷ lệ tăng vọt lên là 11.5%. Ở các nước phát triển tỷ lệ tăng huyết áp là 20-25%.
Trên thế giới, một năm có khoảng 7.5 triệu người tử vong do tăng áp huyết, một ngày có khoảng 2 vạn người tử vong do tăng áp huyết.
Bệnh có những biến chứng rất nghiêm trọng như đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận,…
Trong nhiều trường hợp người bệnh bị tăng áp huyết cũng không biết mình bị tăng huyết áp, chỉ khi nhức đầu, chóng mặt hoặc đột quỵ, đau thắt ngực, đo huyết áp mới biết mình bị tăng huyết áp. Chính vì vậy, tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng và nguy hiểm là chính xác.
Huyết áp bình thường và tăng huyết áp:
Theo tổ chức y tế thế giới, huyết áp đo ở cánh tay:
Huyết áp bình thường của người lớn tuổi:
Huyết áp tâm thu (còn gọi là huyết áp tối đa) nhỏ hơn 120 mmHg.
Huyết áp tâm trương (còn gọi là huyết áp tối thiểu) nhỏ hơn 80 mmHg
Tăng huyết áp:
Huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg
Huyết áp tâm trương trên 90 mmHg.
Muốn xác định được tăng huyết áp phải đo huyết áp nhiều lần (ít nhất là 3 lần) ở những thời điểm khác nhau, mà áp huyết vẫn cao thì mới chẩn đoán là cao huyết vì huyết áp có thể thay đổi trong ngày và giữa các ngày.
Huyết áp thấp:
Huyết áp có chỉ số 90/50 mmHg trở xuống gọi là huyết áp thấp, nếu vẫn làm việc bình thường thì không có gì là nguy hiểm. Còn nếu như huyết áp đang bình thường (Vd: 130/80 mmHg mà tụt xuống thì cần đến các trung tâm Y tế kiểm tra).
Nguyên nhân và nguy cơ tăng huyết áp:
Nguyên nhân tăng huyết áp : Phần lớn là không rõ nguyên nhân chiếm 90 đến 95% gọi là huyết áp tiên phát.
Khoảng độ 5 đến 10% tìm thấy nguyên nhân gọi là huyết áp thứ phát, nguyên nhân thường thấy bệnh lý ở thận, mạch máu, tim, nội tiết, do thuốc…
Các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp:
Các yếu tố không thể thay đổi được:
– Tuổi tác: tuổi càng cao huyết áp càng tăng.
– Chủng tộc, giới tính
Các yếu tố nguy cơ làm tăng có thể hạn chế được:
– Béo phì, dư cân, rối loạn truyền hóa mỡ, đái tháo đường, thuốc lá, rượu, lười vận động, căng thẳng (stress)…
Các biến chứng của tăng huyết áp:
Tăng huyết áp có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề ảnh huởng đến cuộc sống sinh hoạt. Nếu không đuợc điều trị, hoặc điều trị không đúng, tăng huyết áp có thể gây ra :
– Tổn thương tim và động mạch vành ( động mạch nuôi tim ), gây ra đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột tử,…
– Đột quị ( Tai biến mạch máu não… )
– Tổn thương thận, suy thận
– Giảm trí nhớ
Nguy cơ về sức khỏe sẽ tăng cao hơn nữa nếu có thêm một trong các yếu tố kể trên ( Hút thuốc lá, thừa cân , béo phi, ít vận động thể lực, tăng Cholesterol, giảm HDL, đái tháo đuờng… )
Dự phòng tăng huyết áp :
Trước hết phải có ý thức dự phòng tăng huyết áp :
Không được để dư ký, béo phì.
Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả không nên ngồi gần người hút thuốc lá.
Chế độ ăn giảm mặn, không ăn thức ăn mặn, không ăn chất béo bão hòa.
Hạn chế rượu, nên uống rượu vang đỏ mỗi bữa ăn một chút (có tác dụng hạ Cholesterol máu).
Tránh căng thẳng lo âu.
Tập thể dục thường xuyên và chọn một môn thể thao thích hơp cho mình. Vd: đi bộ…
Điều trị tốt các yếu tố nguy cơ kèm theo (rối loạn đường huyết và rối loạn Lipid máu).
Điều trị:
Điều trị lâu dài và liên tục, không có nghĩa là uống thuốc hạ huyết áp suốt đời, vì đến một lúc nào huyết áp có thể xuống thấp (suy tim). Nếu có quên uống thuốc chỉ có thể quên một ngày.
Thuốc điều trị hạ huyết áp có nhiều loại: lợi tiểu, ức chế men truyền, ức chế bêta, ức chế canxi, ức chế thụ thể AG…
Các thầy thuốc căn cứ vào tuổi tác, căn cứ vào các bệnh kèm theo và các yếu tố nguy cơ sẽ hướng dẫn cho người bệnh các phác đồ thích hợp, hài hòa cho từng người bệnh.
Tại bệnh viện Vạn Hạnh có chuyên khoa tim mạch, các bác sĩ thường xuyên tư vấn cụ thể cho người bệnh về chế độ dinh dưỡng, về tập luyện thể dục thể thao và đặc biệt hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Đó chính là chìa khóa sự thành công điều trị các trường hợp cao huyết.
Một số điều cần lưu ý:
– Người bệnh nên có máy đo huyết áp để đo huyết áp tại nhà, có thể sử dụng máy đo điện tử hoặc máy đo đồng hồ.
– Trong điều trị tăng huyết áp bao gồm ba thứ:
1. Chế độ ăn giảm mặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu, giảm mỡ.
2. Tập luyện thể dục thể thao.
3. Thuốc hạ áp.
– Bệnh tăng huyết áp là bệnh điều trị lâu dài, liên tục cho nên người bệnh cần hiểu biết về bệnh của mình và tuân thủ điều trị.
– Không nên nghỉ thuốc đột ngột và cần theo chỉ dẫn chặt chẽ của bác sĩ. Cần chú ý tác dụng phụ của thuốc khi thấy các triệu chứng khác thường. Bác sĩ điều chỉnh thuốc.