mất khứu giác
Mùi vốn là một thứ vô hình. Thế nhưng, mùi lại là một phần vừa của đời sống vật chất, vừa của đời sống tinh thần. Nó trộn lẫn vào nhau, không thể phân định rõ rệt được. Nhưng khi ta ngửi thấy mùi, thì trong tiềm thức của ta nó hiện lên những liên tưởng về quá khứ. Đúng như cảm xúc của nhà văn Tạ Duy Anh (Hà Nội) khi ngửi thấy mùi hoa bưởi, mùi hương lúa…ông đã hồi tưởng về thời niên thiếu hồn nhiên, trong sáng và cảnh đồng quê gần gũi, gắn bó với tuổi thơ của mình; Ông đã viết: “Những ấn tượng ấy cho đến tận bây giờ vẫn sống nguyên vẹn trong ký ức mình. Nhưng mà phải khi nào mình ngửi mùi hoa bưởi thì ký ức mới trỗi dậy. Và khi nó trỗi dậy, thì nó khiến cho tâm hồn mình dịu lại, lắng lại, đồng thời đầy sự phấn khích. Nó khiến cho mình nghĩ đến những điều rất là trong lành, rất là thánh thiện, về một thời tuổi thơ, đi nhặt hoa bưởi, rồi đi nhặt quả bưởi…”
Trên thế giới ngày nay, mùi là một hiện thực ngày càng được các ngành kinh doanh chú ý đến, như một phương tiện chinh phục khách hàng. Gần gũi với ta hơn, mùi vị tự nhiên của hoa trái, cây cỏ…, càng trở nên quan trọng, trong một thế giới mà môi trường sinh thái ngày càng bị thu hẹp. Mùi là một cái gì đó vừa rất đỗi gần gũi, có ảnh hưởng sâu xa, nhưng cũng lại phảng phất mơ hồ khó nắm bắt, như thực, như không. Vì vậy, nếu mất khứu giác con người sẽ mất đi phần lớn cảm xúc với thế giới muôn mùi quanh ta.
Thế nào thì được gọi là mất khứu giác?
Mất khứu giác là mất khả năng cảm nhận về mùi (không ngửi được mùi); mất khứu giác có thể là mất hoàn toàn (anosmia, anosphrasia, olfactory anesthesia) hoặc mất một phần (partial anosmia).
Mất khứu giác có thể là tạm thời hoặc mất khứu giác vĩnh viễn. Nhưng mất khứu giác do COVID-19 khoảng 90% các trường hợp có thể tự hồi phục sau 2 tuần đến 4 tuần; khoảng 96% các trường hợp sẽ hồi phục sau 6 tháng đến 1 năm. Cơ chế mất khứu giác do COVID-19 hiện nay chưa rõ: do cơ chế dẫn truyền, cơ chế tiếp nhận (ngoại biên hay trung tâm) hoặc phối hợp cả 2 cơ chế này còn là giả thuyết. Hầu hết, các giả thuyết hiện nay có khuynh hướng nghĩ nhiều đến cơ chế tiếp nhận: đầu tiên SARS-Cov-2 xâm nhập và gây tổn thương tế bào nâng đỡ (sustentacular cell), tế bào thần kinh cảm nhận khứu giác (Olfactory sensory neuron # Schultze cell ) của biểu mô khứu giác sau đó xâm nhập và gây tổn thương Hành khứu (Olfactory bulb).
Mất khứu giác là một biểu hiện khá thường gặp ở bệnh nhân bị COVID-19, khoảng 52% người bệnh COVID-19 bị mất khứu giác, tỷ lệ này thay đổi tùy theo nghiên cứu, chủng tộc, người da trắng gấp 3 người Châu Á. Trong đợt bùng phát COVID-19 ở nước ta hiện nay, mất khứu được phát hiện ngày càng nhiều dù chưa có con số thống kê chính thức.
Mất khứu giác thường đi kèm với mất vị giác ở người mắc COVID-19 hay gặp ở người trẻ tuổi, không có sự khác biệt giữa nam và nữ, phụ nữ trẻ có chỉ số BMI cao thì nguy cơ cao.
Mất khứu giác là triệu chứng khá phổ biến và đặc hiệu đã được Anh Quốc và Hoa Kỳ là 2 quốc gia đầu tiên đưa vào tiêu chuẩn sàng lọc để phát hiện người bệnh COVID 19 kể từ tháng 3/2020. Đôi khi là triệu chứng khởi đầu và duy nhất của người bệnh COVID-19.
Mất khứu giác làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh: không chỉ mất đi sự hứng thú khi thưởng thức thức ăn, thức uống mà còn dẫn đến các nguy hại sức khỏe do không phát hiện được mùi của các khí độc, khói của đám cháy hoặc mùi thức ăn thiu hôi.
Làm sao chẩn đoán được mất khứu giác người bệnh hậu nhiễm COVID-19?
Các bác sĩ lâm sàng phối hợp việc hỏi bệnh, khám bệnh và thực hiện một số cận lâm sàng thiết yếu.
Hỏi bệnh:
– Tiền căn nhiễm COVID -19, mắc bệnh COVID-19
– Mất khứu giác một phần hay mất toàn bộ: không ngửi được tất cả hay một số mùi hương, mùi thức ăn, mùi hôi…
– Các triệu chứng đi kèm: Nghẹt mũi, sổ mũi, mất vị giác…
(Hỏi bệnh có thể qua điện thoại, online, trực tiếp hoặc điền vào bộ câu hỏi)
Khám lâm sàng
– Khám mũi xoang tìm các bất thường cấu trúc (vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi dưới, cuốn mũi giữa, cuốn mũi trên..), các tổn thương phối hợp: khối u, polyp, dị ứng, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm…
– Đánh giá tình trạng niêm mạc mũi, tìm bất thường ở vùng niêm mạc khứu hay còn gọi là đốm vàng.
Đốm vàng là một vùng có diện tích 2 đến 3 cm2 ở vòm mỗi hốc mũi bao gồm một phần nhỏ niêm mạc ngay trên chỗ bám cuốn mũi trên và niêm mạc phần cao vách ngăn mũi. Đốm vàng được cấu trúc bởi các tế bào Schultze lưỡng cực (tế bào khứu giác có các thụ thể cảm giác với các lông rung khứu giác và sợi trục), tế bào nâng đỡ hình trụ, tế bào nền hình sao và mô liên kết có chứa các thớ thần kinh V, mạch máu, tuyến Bowman)
– Đánh giá tình trạng các khe mũi trên, giữa, dưới: sạch hoặc đọng nhầy trong hoặc nhầy đục (nếu có bội nhiễm).
– Khám họng đánh giá niêm mạc khẩu cái lưỡi, khẩu cái hầu, thành sau họng, các chồi vị giác, niêm mạc má: sung huyết, xuất tiết, phù nề.
– Đánh giá tình trạng các lỗ đổ tuyến nước bọt mang tai (lỗ đổ ống Stenon), tuyến dưới hàm (lỗ đổ của ống Wharton), tuyến dưới lưỡi…phù nề, sung huyết, tắc nghẽn.
– Test nhận biết mùi: yêu cầu người bệnh nhắm mắt rồi cho họ ngửi một số mùi hương hoa, hương trái cây, thức ăn, thức uống quen thuộc hằng ngày. Đánh giá người bệnh mất khứu giác hoàn toàn hay một phần.
Chỉ định cận lâm sàng
– Nội soi mũi xoang.
– CT scan các xoang cạnh mũi hoặc và MRI não để có thêm thông tin giúp chẩn đoán phân biệt hoặc tìm tổn thương phối hợp.
– Đo khứu giác chủ quan bằng khứu giác kế lâm sàng trong ngưỡng, trên ngưỡng với bộ thử 40 mùi của University of Pennsylvania Smell Investigation Test (UPSIT) và đo khứu giác khách quan bằng Điện não đồ Evoked Olfactive Responses, phản ứng gián đoạn Berger, phản xạ khứu giác trên đồng tử, huyết áp là các phương pháp chỉ dùng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu hơn là thực hành lâm sàng.
Chẩn đoán xác định mất khứu giác do COVD-19 dựa trên tiêu chí nào?
– Tiền sử nhiễm hoặc mắc bệnh COVID-19 được chẩn đoán trước đó bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2: dương tính.
– Mất khứu giác toàn bộ hoặc một phần xuất hiện đột ngột sau khi bị nhiễm hoặc mắc bệnh COVID-19.
– Không có tiền căn chấn thương hoặc phẫu thuật sọ não, mũi xoang.
– Loại trừ các nguyên nhân khác gây mất khứu giác: chấn thương hoặc phẫu thuật (sọ não, mũi xoang), khối u, viêm nhiễm mũi xoang, bất thường cấu trúc hốc mũi, hít hơi hóa chất, khí độc, sử dụng dược phẩm gây độc biểu mô khứu giác, rối loạn nội tiết…
Cần chẩn đoán phân biệt mất khứu giác do COVD-19 với những nguyên nhân thường gặp khác trước khi bắt đầu điều trị
– Mất khứu giác do các nguyên nhân khác: tuổi cao, chấn thương hoặc phẫu thuật sọ não hoặc mũi xoang, khối u nội sọ, khối u hoặc viêm mũi xoang do vi khuẩn, virus khác, vi nấm, dị ứng, hóa chất, khói độc, bệnh đa xơ cứng, thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và rối loạn nội tiết..
Điều trị mất khứu giác do COVID-19 chủ yếu là hỗ trợ và luyện tập khứu giác
Nguyên tắc điều trị: theo dõi, hỗ trợ tại chỗ, dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, huấn luyện ngửi.
Thuốc:
– Corticoid xịt mũi chỉ định trường hợp mất khứu giác do COVID-19 kéo dài hơn 2 tuần và có kèm theo nghẹt chảy mũi, giúp làm giảm phù nề niêm mạc mũi. Có thể dùng: Mometasone furoat (Moslve, Dkasolone, Nazoster), Fluticason Propionate (Flixonase, Meseca)…: 2 nhát xịt mỗi mũi, 2 lần mỗi ngày.
– Không có chỉ định sử dụng Corticoide toàn thân.
– Không có chỉ định dùng kháng sinh, kháng nấm nếu không có bằng chứng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Điều trị hỗ trợ:
– Dinh dưỡng: người bệnh bị mất khứu giác hoặc và vị giác, cần được bổ sung những món ăn có màu sắc đa dạng để giúp tăng cường cảm giác “ngon” của thị giác; thêm chất cay vào món ăn để tăng cảm giác của lưỡi; ăn thức ăn nóng sốt hoặc nguội lạnh tùy sở thích; ăn những thức ăn có mùi vị mà người bệnh yêu thích trước đây. Tuy vậy, tránh dùng thức ăn, thức uống gây dị ứng, phù nề, xuất tiết dịch mũi xoang, họng thanh quản ở người có cơ địa viêm mũi xoang dị ứng.
– Vệ sinh mũi họng: Tránh tiếp xúc các tác nhân kích thích trong môi trường (bụi, khói, hóa chất, phấn hoa, môi trường ô nhiễm…) bằng cách đeo khẩu trang N95. Nhỏ mũi, xịt mũi hoặc rửa mũi với nước muối sinh lý (natri chloride 0,9%), hoặc nước biển sâu (Pronano, Sterimar, Xisat, ENT clear..) xịt mũi nhiều lần mỗi ngày, mỗi lần vài nhát xịt vào mỗi hốc mũi.
Huấn luyện “ngửi” phục hồi khứu giác
– Đối với mất khứu giác kéo dài có chỉ định huấn luyện ngửi để phục hồi đường dẫn truyền thần kinh khứu giác. Thời gian huấn luyện kéo dài nhiều tháng đến một năm, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh và thầy thuốc. Mục đích là giúp cho người bệnh nhớ lại các mùi trước đây dựa trên đặc tính tâm lý khứu giác là “Ký ức khứu giác tạo nên liên kết tri thức rất bền vững”.
– Quá trình huấn luyện này sử dụng các mùi cơ bản trong cuộc sống thường ngày bao gồm các mùi như: hương hoa (hoa hồng), mùi trái cây (chanh), chất thơm (đinh hương), bạc hà.
– Người bệnh được cho hít các lọ hoặc các ống hít có các mùi kể trên trong 15 – 20 giây.Trong khi hít, ví dụ như với hương hoa hồng, bệnh nhân được hướng dẫn cố gắng nhớ, tưởng tượng mùi hương hoa hồng mà mình đã từng ngửi trước đây, cũng như tưởng tượng hình ảnh hoa hồng.
– Sự kết hợp giữa hít mùi và tưởng tượng này giúp ích cho quá trình phục hồi khứu giác. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục thực hiện tương tự với 3 mùi còn lại, mỗi ngày tập 2 – 3 lần. Sự cải thiện khứu giác xảy ra sau quá trình tự huấn luyện tại nhà của người bệnh từ 3 đến 6 tháng thậm chí có khi cả năm.
Cần theo dõi và tái khám theo hẹn của bác sĩ điều trị
– Các chỉ số cần theo dõi: Người bệnh liệt kê danh sách các mùi mà mình đã ngửi lại được sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng.
– Thời gian tái khám: sau 1 tháng, 3 tháng, 9 tháng, 12 tháng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Huỳnh Khắc Cường, Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Ngọc Minh, Trần cao Khoát, Cập nhật chẩn đoán điều trị bệnh lý mũi xoang, NXB Y học – chi nhánh TP Hồ Chí Minh, 2006, tr 66 – 82.
- Nguyễn Hữu Khôi, Phạm Kiên Hữu, Nguyễn Hoàng Nam, Phẫu thuật nội soi mũi xoang, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2005, tr 1 – 28.
- Trần Viết Luân, mất khứu giác ờ bệnh nhân COVI-19, Chuyên san Sức khỏe & đời sống, Bộ Y tế, số 225, 2021, tr 44 – 47.
- Ngô Ngọc Liễn, Bệnh học Tai mũi họng, NXB Y học, 2016, tr 166 – 168.
- R. Lechien,C. M. Chiesa-Estomba,E. Beckers,V. Mustin,M. Ducarme,F. Journe,A. Marchant,L. Jouffe,M. R. Barillari,G. Cammaroto,M. P. Circiu,S. Hans,S. Saussez, Prevalence and 6-month recovery of olfactory dysfunction: a multicentre study of 1363 COVID-19 patients, First published: 05 January 2021. https://doi.org/10.1111/joim.13209
- NICE guideline [NG188], COVID-19 rapid guideline: managing the long-term effects of COVID-19, Published: 18 December 2020. Overview | COVID-19 rapid guideline: managing the long-term effects of COVID-19 | Guidance | NICE.
- Nguyễn Quang Quyền, Frank H. Netter, Atlas Giải phẫu học Người (Atlas of Human anatomy), NXB Y học, 1994, tr 127.
- Ralph Ellis, Loss of Smell Reported in 86% of Mild COVID Cases MESCAP, January 07, 2021
- Nhan Trừng Sơn, Võ Tấn, Trần Thiện Tư, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trần Thị Anh Tú, Trịnh Thị Cẩm Vân, Đặng Hoàng Sơn, Trần Viết Luân, Rối loạn thần kinh cảm giác và vận động trong tai mũi họng, NXB mũi Cà Mau, 2003, tr 121 – 124.