Viêm amidan quá phát là tình trạng amidan bị viêm nhiễm nhiều lần và kéo dài lâu ngày làm amidan trở lên sưng to hơn bình thường, chiếm nhiều chỗ trong khoang họng, lấn vào làm hẹp khoang, trụ trước đỏ. Bệnh gây ra cảm giác đau rát, vướng víu ở cổ, mệt mỏi, chán ăn,… từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Các phân độ của viêm amidan quá phát
Viêm amidan quá phát là bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Ngoài ra, cũng có thể gặp ở một số người lớn. Thống kê cho thấy có tới 21% trẻ em mắc bệnh này, trong khi đó tỷ lệ mắc ở người lớn chỉ từ 8-10%.
Viêm amidan quá phát được phân thành các loại cơ bản sau:
- A1: Loại này thường có amidan to tròn và cuống gọn. Viêm amidan lúc này có chiều ngang nhỏ hơn ¼ so với khoảng cách của chân trụ trước amidan.
- A2: Là dạng có amidan to tròn như loại 1 nhưng chiều ngang nhỏ hơn 1/3 khoảng cách của chân trụ trước amidan.
- A3: Là dạng có chiều ngang amidan nhỏ hơn hoặc bằng ½ khoảng cách của chân trụ trước.
- Viêm amidan quá phát thể xơ chìm: Dạng này thường gặp ở người lớn với vết viêm gồ ghề lên bề mặt và chằng chịt các xơ trắng. Lúc này hai viêm amidan và các trụ trước có màu đỏ sẫm, trụ sau trở nên dày lên.
2. Triệu chứng của viêm amidan quá phát
Khi bị viêm amidan quá phát, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Xuất hiện amidan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ.
- Họng có cảm giác đau rát khó chịu như có vật ở bên trong.
- Bít tắc hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ.
- Bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất.
- Ở trẻ em, amidan sưng quá to sẽ làm trẻ khó ăn, ăn chậm, cơ thể mệt mỏi, ho khan kéo dài, hay ho về đêm, hơi thở có mùi hôi.
3. Viêm amidan quá phát có nguy hiểm không?
Nếu không được xử lý sớm bệnh có thể gây ra những biến chứng như:
- Biến chứng tại chỗ: viêm nhiễm lan rộng gây sưng tắt, áp-xe amidan làm cổ họng đau đớn, sưng to, khó nuốt, đau tai, khó nói, sốt cao, hơi thở có mùi hôi,…
- Biến chứng lân cận: amidan bị viêm có thể gây ảnh hưởng đến các vùng xung quanh và gây ra các bệnh lý như viêm tai giữa, viêm mũi – viêm xoang, viêm thanh – phế quản.
- Biến chứng toàn thân: nếu amidan tiến triển nặng có thể gây ra biến chứng viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm cơ tim,… Trong đó, các độc tố từ liên cầu khuẩn có thể khiến người bệnh thường xuyên bị nhức đầu, đau họng, nổi hạch, nổi ban,…
4. Khi nào nên xử lý viêm amidan quá phát?
Viêm amidan quá phát cần phải mổ khi ổ viêm quá lớn, gây cản trở hô hấp và việc sử dụng thuốc không phát huy tác dụng.
Một số trường hợp cụ thể thường được xác định phải cắt amidan bao gồm:
- Viêm amidan tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm).
- Viêm amidan gây các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp,…
- Amidan phì đại gây tắc nghẽn đường thở, khó nuốt, khó nói, ngủ ngáy hay thậm chí ngưng thở.
- Viêm amidan làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nuốt như đau họng, khó nuốt.
Đối với trẻ em, đổ tuổi thích hợp nhất để cắt amidan là từ 4 tuổi trở lên vì nếu cắt amidan khi trẻ còn quá nhỏ có thể làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện ngưng thở lúc ngủ phải cắt bất cứ tuổi nào để tránh nguy cơ đột tử do thiếu oxy.
Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau cắt amidan
______________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh