Nghe kém ở trẻ nhỏ thường được phát hiện trễ, phần lớn các trường hợp nhờ vào sự phản ánh của thầy cô giáo trong nhà trẻ, trường mẫu giáo hoặc phổ thông cơ sở với phụ huynh về kết quả học tập của trẻ như: tiếp thu chậm, điểm chính tả càng lúc càng kém, lơ đểnh, thiếu tập trung và thờ ơ trước lời mời gọi của những người xung quanh. Tại phòng khám Tai mũi họng Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, đa số những trường hợp như vậy được chẩn đoán là viêm tai giữa thanh dịch (VTGTD).
Viêm tai giữa thanh dịch (VTGTD) là tình trạng viêm niêm mạc của tai giữa và tiết dịch vào khoang tai giữa, dịch này có thể là chất lỏng hoặc chất nhầy.
VTGTD khác với viêm tai giữa nhiễm trùng, cả 2 trường hợp đều có dịch trong tai giữa nhưng với VTGTD thì dịch trong tai giữa không có vi trùng và thường chỉ đau ít hoặc không đau.
Nguyên nhân thường do nhiễm lạnh, tắc vòi nhĩ hay do rối loạn chức năng vòi nhĩ.
Theo thống kê tại Mỹ, khoảng 90% trẻ em dưới 6 tuổi từng bị VTGTD.
Có thể sẽ rất khó để phát hiện trẻ bị VTGTD vì đôi khi trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào. Đa số các trường hợp VTGTD thường tự khỏi mà không cần điều trị. BS lâm sàng tuân thủ hướng dẫn điều trị sẽ góp phần tránh được những tác dụng phụ của thuốc và tình trạng kháng kháng sinh.
VTGTD là nguyên nhân thường gặp hàng đầu của tình trạng suy giảm sức nghe ở trẻ em có chỉ định đặt ống thông nhĩ tại các nước phát triển.
Chúng tôi chẩn đoán, theo dõi, xử trí VTGTD với cách làm đơn giản và mang lại hiệu quả cao:
1. Soi tai có bơm hơi:
– BS TMH kiểm tra dịch trong tai giữa với đèn soi tai có bơm hơi.
– Soi tai có bơm hơi để phát hiện viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ có đau tai, giảm sức nghe hay cả hai.
2. Đo nhĩ lượng với những trẻ có nghi ngờ viêm tai giữa thanh dịch nhưng chưa chẩn đoán được sau khi đã thực hiện soi tai có bơm hơi.
3. Trẻ sơ sinh không đáp ứng với kiểm tra sàng lọc thính giác: chúng tôi ghi nhận trong sổ khám bệnh của trẻ để có sự theo dõi đặc biệt để phát hiện VTGTD và can thiệp đúng lúc đồng thời loại trừ trường hợp điếc tiếp nhận bẩm sinh.
4. Nhận biết những trẻ thuộc nhóm nguy cơ: những trẻ bị VTGTD có thể bị các vấn đề về phát âm, ngôn ngữ, khả năng học tập vì dịch trong tai giữa có thể gây ra các rối loạn về những giác quan cơ bản, khả năng vận động, nhận thức hoặc hành vi.Kiểm tra định kỳ những trẻ thuộc nhóm nguy cơ: nếu trước đó trẻ đã được chẩn đoán là đối tượng có thể thuộc nhóm nguy cơ
5. Tầm soát những trẻ khỏe mạnh: chưa cần phải theo dõi thường quy cho những trẻ không thuộc nhóm nguy cơ hay những trẻ không có những triệu chứng hướng đến VTGTD (nghe kém, rối loạn thăng bằng, giảm khả năng học tập, rối loạn hành vi hay khó chịu ở tai).
6. Giáo dục thân nhân bệnh nhân: hướng dẫn cho người thân của những trẻ bị viêm tai giữa thanh dịch về những diễn tiến tự nhiên của nó cần phải theo dõi và những di chứng có thể xảy ra.
7. Theo dõi sát: những trẻ VTGTD chưa có các yếu tố nguy cơ nên tái khám mỗi 3 tháng kể từ lúc xuất hiện dịch trong tai hay từ lúc được chẩn đoán (không rõ thời điểm khởi phát).
8. Trong điều trị VTGTD không nên sử dụng :
Corticoid xịt mũi hay corticoid toàn thân
Kháng sinh
Kháng Histamin,
Thuốc co mạch.
9. Kiểm tra sức nghe: kiểm tra thính giác phù hợp với độ tuổi cho những trẻ bị VTGTD kéo dài từ 3 tháng trở lên hay với trẻ VTGTD có yếu tố nguy cơ ở bất kỳ giai đoạn nào.
10. Phát âm và ngôn ngữ: trẻ bị VTGTD 2 bên có biểu hiện giảm thính lực có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển lời nói và ngôn ngữ.
11. Theo dõi trẻ bị VTGTD mạn tính: đánh giá lại mỗi 3 đến 6 tháng đối với những trẻ bị VTGTD mạn tính cho đến khi dịch trong tai giữa mất hoàn toàn, những trẻ bị giảm sức nghe nghiêm trọng hay nghi ngờ có những bất thường về cấu trúc ở màng nhĩ hay tai giữa.
12. Chỉ định phẫu thuật cho trẻ dưới 4 tuổi: đặt ống thông nhĩ khi có chỉ định phẫu thuật với viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ dưới 4 tuổi; Nạo VA không được khuyến cáo trừ khi có những biểu hiện khác) ngoài VTGTD (như tắc nghẽn mũi, viêm VA mạn tính…)
Chỉ định phẫu thuật cho trẻ từ 4 tuổi trở lên: đặt ống thông nhĩ hoặc nạo VA hoặc làm cả 2 khi viêm tai giữa thanh dịch có chỉ định phẫu thuật ở trẻ từ 4 tuổi trở lên.
13. Đánh giá kết quả: Khi theo dõi trẻ bị VTGTD chúng tôi sẽ ghi lại trong sổ khám bệnh của trẻ: quá trình cải thiện của VTGTD, sự cải thiện sức nghe hay sự cải thiện chất lượng sống.
Viêm tai giữa thanh dịch mặc dù là bệnh có ít triệu chứng biểu hiện ra ngoài, diễn tiến âm thầm. Tuy nhiên, nếu có sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và cơ sở y tế, bệnh có thể được phát hiện sớm, theo dõi sát, can thiệp kịp thời để bảo tồn sức nghe giúp phát triển ngôn ngữ, tâm thần, vận động cho trẻ. Xin đừng lãng quên viêm tai giữa thanh dịch khi đứng trước một đứa trẻ lứa tuổi tiền học đường, học đường có bất kỳ một triệu chứng khác thường ở tai.
——————-
Nếu có bất kì vấn đề gì về sức khỏe, hãy liên hệ với chúng tôi theo:
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
☎️ Hotline 028.3863.2553
⏱⏱ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, trên 20 năm kinh nghiệm đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe