Những bệnh nhân đã từng có bệnh nền trước đó như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, hội chứng Brugada, béo phì trên nền đái tháo đường… thì sau khi mắc bệnh Covid-19 sẽ làm xuất hiện các triệu chứng tim mạch đôi khi gia tăng
Một số ảnh hưởng của Covid-19 lên tim mạch
Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể như phổi, tim, gan, thận, miễn dịch, tâm lý… Không chỉ trong lúc đang bị nhiễm bệnh, mà một số trường hợp còn ảnh hưởng lâu dài sau khi không còn nhiễm Covid-19, hay còn gọi là ảnh hưởng hậu covid. Trong đó, tác động lâu dài lên tim mạch vẫn còn là yếu tố cần quan tâm.
Một số bệnh nhân sau khi xét nghiệm Covid-19 âm tính, nhưng vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng như: thở hụt hơi, đau ngực, khó thở, mệt mỏi khi leo cầu thang hay đi bộ , hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh, cảm giác như “không được khỏe như trước khi bị nhiễm bệnh”… Những triệu chứng này có khả năng là các dấu hiệu của triệu chứng tim mạch hậu Covid.
Đặc biệt, ở những bệnh nhân đã từng có bệnh nền trước đó như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, hội chứng Brugada, béo phì trên nền đái tháo đường… thì triệu chứng đôi khi gia tăng.
Lý do nhiễm Covid-19 ảnh hưởng đến tim mạch?
Có nhiều lý do để nhận định Covid-19 làm ảnh hưởng đến tim mạch, trong đó phải kể đến 3 lý do chính sau đây:
– Do virus xâm nhập vào phổi làm nồng độ oxy trong máu giảm, vì vậy, tim buộc phải đập nhanh và mạnh hơn để đảm bảo oxy cho cơ thể khiến cho chức năng tim suy yếu nhanh hơn.
– Do virus tạo ra các phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, tụt huyết áp, hội chứng mạch vành cấp tính,…
– Do bản thân bệnh nhân tim mạch trước đó đã mệt mỏi, tức ngực, khó thở vì bệnh sẵn có, khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 lại càng khó thở hơn, tiến triển bệnh của họ sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn hơn so với người không bệnh tim mạch trước đó.
Một số bệnh nhân sau khi đã khỏi Covid-19 vẫn có khả năng xuất hiện các triệu chứng tim mạch hậu Covid
Tại sao Covid-19 tác động lên tim mạch?
Covid-19 tác động lên tim vì một số nguyên nhân sau:
– Một số trường hợp Virus làm tổn thương trực tiếp lên cơ tim và làm ảnh hưởng lên chức năng của tim khiến cho cơ thể chúng sinh ra kháng thể để chống lại virus và nó tạo ra quá trình viêm, đồng thời cũng có thể phá làm phá hủy các mô lành ở tim. Ở thời kỳ hậu Covid, về lâu dài, sau khi mắc COVID-19 có thể xuất hiện tình trạng suy tim và bệnh cơ tim dãn.
– Các virus gây ra bệnh Covid-19 cũng có thể tấn công làm ảnh hưởng lên nội mạc mạch máu, gây ra phá hủy các mạch máu và hình thành lên cục máu đông. Do vậy, khi mắc COVID-19 bệnh nhân có thể bị tắc mạch nhiều nơi và đặc biệt là nặng nề khi có tắc mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim .
– Sau khi mắc COVID-19, các triệu chứng rối loạn nhịp tim là khá thường gặp. Biểu hiện của triệu chứng này là hồi hộp, đánh trống ngực. Đặc biệt tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài rất hay gặp phải sau khi khỏi COVID-19. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhịp tim nhanh sau COVID-19 như: Do mệt mỏi kéo dài sau khi bị COVID-19; do ít hoạt động sau khi mắc COVID-19; do nằm trên giường lâu khi bị COVID-19 hoặc do những vấn đề tim mạch mắc phải sau COVID-19.
Trong thời kỳ hậu Covid-19, gặp những dấu hiệu nào thì chúng ta nên đi khám tim mạch?
Sau khi mắc bệnh Covid, chúng ta nên đi khám các bệnh về tim mạch khi cơ thể xuất hiện một trong những triệu chứng dưới đây:
– Khó thở: Cảm giác hụt hơi, không được khỏe “ như trước kia”, cảm thấy khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm nghỉ .
– Đau ngực: Đau ở bên trái hoặc giữa lồng ngực, đau lan ra sau lưng, vai trái và cằm, đặc biệt triệu chứng sẽ giảm khi chuyển từ trạng thái hoạt động sang nghỉ ngơi.
– Hồi hộp đánh trống ngực hoặc nhịp tim không đều.
– Ngất, choáng váng- chóng mặt.
Sau khi mắc COVID-19, các triệu chứng rối loạn nhịp tim là khá thường gặp
Thời điểm nào đi khám tim mạch hậu Covid-19 là thích hợp?
Sau khi đã khỏi bệnh Covid, người bệnh nên đi khám tim mạch theo một số thời điểm sau:
– Đối với những người trước đó có bệnh lý tim mạch, tái khám theo lịch của bác sĩ điều trị hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường như trên.
– Kiểm tra tim mạch sau khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
– Kiểm tra tim mạch mỗi 6 tháng sau khi có kết quả Covid-19 âm tính hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường như trên.
Các phương tiện y khoa nào hỗ trợ giúp chẩn đoán bệnh lý tim mạch hậu Covid-19?
Một số phương tiện, thiết bị y khoa được dùng để hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý tim mạch hậu Covid-19:
– Siêu âm tim: Giúp theo dõi và đánh giá kích thước và cấu trúc tim. Kiểm tra sự thay đổi của van tim, buồng tim, thành tim, sẹo cơ tim.
– Điện tâm đồ (ECG): Giúp chẩn đoán các rối loạn nhịp tim để kiểm tra xem có giãn các buồng tim hay không và xem các dấu hiệu của bệnh lý mạch vành đặc biệt khi có đau ngực.
– Chụp động mạch xóa nền kỹ thuật số (DSA): Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp chẩn đoán tổn thương động mạch vành tim.
Chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, với đội ngũ bác sĩ chuyên nghành tim mạch, với trang thiết bị chuyên chẩn đoán về tim mạch như: Máy chụp và can thiệp mạch xóa nền kỹ thuật số (DSA), máy siêu âm tim thường quy – siêu âm tim đánh dấu mô – siêu âm tim gắng sức, điện tim thường quy – Holter ECG- ECG gắng sức, CT mạch vành – tim….góp phần vào chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch.
BS Nguyễn Văn Hưởng
Đơn vị tim mạch- BV Đa khoa Vạn Hạnh.